Trong những lần nhậu nhẹt vui vẻ với bạn bè, đôi khi chúng ta uống tới bến mà quên đi mọi thứ xung quanh để rồi sáng hôm sau tỉnh dậy bạn không còn nhớ nổi những gì đã xảy ra từ khi bắt đầu say (xỉn).
Những gì bạn nhớ nổi chỉ là nhận thức rất mơ hồ và hoang mang, thậm chí khi bạn bè nhắc lại buổi tối hôm đó bạn không thể tin mình đã làm những việc đó và cảm thấy xấu hổ. Đó chính là triệu chứng mất trí nhớ tạm thời khi bạn uống rượu/bia quá nhiều (black-out). Vậy nó bắt đầu từ đâu?
Chất cồn đã làm gì với não của tôi?
Bất kể ai uống rượu bia nhiều đều từng không dưới một lần bị black-out, mất trí nhớ tạm thời. Theo nghiên cứu, chứng bệnh mất trí nhớ tạm thời này được chia làm hai loại: en bloc và fragmentary. Loại nhẹ khiến người sau khi say không thể nhớ những gì đã làm trong khoảng thời gian ngắn, trong khi loại nặng khiến họ không nhớ trong khoảng thời gian dài hơn.
Ngoài ra, với loại nhẹ thì người ta có thể nhớ lại sự việc đã làm hoặc đã xảy ra trước đó khi có ai đó nhắc lại nhưng loại nặng thì không, bất kể ai nhắc lại đi chăng nữa. Tựu chung lại, cả hai loại đều do một nguyên nhân gây ra, liên quan tới thần kinh học (neurophysiological). Khi chúng ta bị say rượu, khu hồi hải mã (hippocampus – nằm trong thùy thái dương) bị hủy hoại hóa học, đây là một phần của não trước có nhiệm vụ lưu giữ thông tin và hình thành ký ức trong trí nhớ dài hạn và khả năng định hướng trong không gian.
Vùng hải mã trong não
Khi uống rượu, chất cồn trong rượu hoặc bia sẽ làm nhiễu cơ quản thụ cảm (trong khu hồi hải mã) có nhiệm vụ truyền dẫn chất glutamate mang thông tin giữa những nơ-ron (neuron) với nhau. Không chỉ làm nhiễu, chất cồn đôi khi còn làm cơ quản thụ cảm ngưng hoạt động. Quá trình này khiến các nơ-ron thần kinh tạo ra steroid – một loại hợp chất hữu cơ – chặn sự liên lạc giữa những nơ-ron này với nhau, kết quả là nó phá vỡ nhận thức dài hạn (long-term potentiation), một quá trình cần thiết cho việc học và lưu trữ thông tin của não người. Nếu đã từng bị say và bị mất trí nhớ tạm thời, bạn vẫn có thể làm các công việc bình thường như nói chuyện, đi lại hoặc ăn uống nhưng vấn đề là khi đó não của bạn không có khả năng tạo ký ức lúc đó để lưu lại. Như vậy sáng hôm sau bạn sẽ chẳng nhớ gì vì làm gì có ký ức nào đâu để mà nhớ lại.
Làm thế nào để tránh mất trí nhớ tạm thời?
Để tránh tình trạng mất trí nhớ tạm thời, không gì tốt hơn ngoài việc ăn gì đó trước khi vào bàn nhậu. Không ăn gì sẽ khiến lượng cồn trong máu tăng nhanh hơn và não bạn sẽ chịu tác động nặng nề hơn. Ngoài ra, hãy uống từ từ và chậm cũng có thể tránh hoặc giảm tình trạng mất trí nhớ. Nghiên cứu chỉ ra rằng, thủ phạm chính của chứng bệnh mất trí nhớ tạm thời là lượng cồn trong máu tăng đột ngột, khiến nồng độ cồn trong máu tăng ít nhất 0,15%. Con số đó lớn gấp hai lần lượng cồn cho phép để điều khiển phương tiện giao thông.
Bạn có biết tại sao phụ nữ uống rượu nhanh say và họ sợ say hơn nam giới không? Một phần là vì lượng cồn trong máu của họ tăng với tốc độ nhanh hơn khi uống rượu, bia. Nữ giới không chỉ có ít nước trong máu hơn nam giới để dung hòa lượng cồn này, họ còn có ít axit gastric dehydrogenase hơn, một loại enzym giúp giảm lượng cồn trong cơ thể.
Tóm lại, để tránh chứng bệnh mất trí nhớ tạm thời khi uống rượu, bạn không nên uống quá nhanh với lượng lớn rượu, bia. Lời khuyên thứ hai là nên ăn gì đó chứ đừng để bụng rỗng mà đi uống những thức uống có cồn đó vào người.
Bị mất trí nhớ tạm thời có đồng nghĩa tôi là người nghiện rượu?
Nghiên cứu đầu tiên được chuyên gia E. M. Jellinek thực hiện vào những năm 1940 cho thấy việc mất trí nhớ tạm thời có liên quan tới chứng nghiện rượu. Tuy nhiên, những nghiên cứu sau đó lại cho thấy điều ngược lại với tuyên bố trường hợp đó không phải lúc nào cũng đúng. Bất kể là bị mất trí nhớ tạm thời có đồng nghĩa bạn là người nghiện rượu hay không thì bạn cũng không nên thường xuyên để tình trạng đó xảy ra. Thường xuyên uống rượu và bị mất trí nhớ tạm thời đồng nghĩa những nguy cơ tổn thương dài hạn ngày một gia tăng.