Không chỉ mất vệ sinh, làm hỏng móng tay, thói quen cắn móng tay còn gây ra nhiều tổn thương khác. Nhiều nghiên cứu tâm lý cho thấy, hành vi này được xem như một rối loạn ám ảnh cưỡng chế và có liên quan đến các yếu tố sau.
Bắt nguồn từ khi lọt lòng
Nhà phân tâm học Sigmund Freud người Áo đổ lỗi cho hành vi này bắt nguồn từ việc phát triển tâm lý tình dục ở giai đoạn miệng (là giai đoạn trẻ sơ sinh có khoái cảm lớn nhất qua thao tác bú và đưa lên miệng cắn những vật thể gần).
Không chỉ mất vệ sinh, làm hỏng móng tay, thói quen cắn móng tay còn gây ra nhiều tổn thương khác – (Ảnh: Shutterstock)
Với học thuyết của Freud, khi bước vào giai đoạn từ 5 – 8 tháng tuổi, trẻ mọc răng và bị ngứa lợi. Nếu nhu cầu được cắn một vật gì đó cho bớt ngứa không được đáp ứng, cộng với việc bé có thể bị cai sữa quá sớm, khi lớn lên cá nhân này có xu hướng phát triển cá tính thích gây gổ qua đường miệng với biểu hiện là thích cắn móng tay.
Trong khi đó, các nhà trị liệu khác gợi ý cắn móng tay có thể là do sự thù địch nảy sinh từ bên trong, hoặc hồi hộp, lo âu. Tuy những biện luận, suy đoán trên chưa được chứng minh rõ ràng, nhưng đa phần người ta chấp nhận những giả thuyết này.
Thói quen
Theo một số nhà nghiên cứu, cắn móng tay chỉ là kết quả của sự thay đổi ngẫu nhiên tác động lên một số người để tạo ra thói quen xấu. Thực tế việc đưa ngón tay vào miệng là điều dễ dàng.
Theo BBC, nó là một trong những phản ứng cơ bản của con người: đó là ăn và hành vi này được một số mạch ở não điều khiển, có nghĩa là nó có thể nhanh chóng phát triển thành một phản ứng tự động. Thêm vào đó, với một số người ý nghĩ cắn móng tay là một cách để giữ vệ sinh vô cùng thú vị.
Tóm lại, cắn móng tay không phải là một đặc điểm tính cách, đó chỉ là hành vi được xây dựng ở trong não từ lúc sơ sinh và là thói quen.