Tại sao Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc bộ nắng nóng kỷ lục?

Tại sao Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc bộ nắng nóng kỷ lục?

Nếu như trước đây, các đỉnh điểm nắng nóng chủ yếu ở Tây Bắc bộ và Bắc Trung bộ, thì đợt nắng nóng kỷ lục lần này, các đỉnh điểm nắng nóng tập trung ở Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc bộ.

Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong đợt nắng nóng kỷ lục lần này, một số nơi ở Đông Bắc bộ nhiệt độ cao vượt mức lịch sử: tại Hà Đông (Hà Nội) là 42,5 độ C (kỷ lục năm 2015 là 40,8 độ), tại Lạng Sơn 38,8 độ (kỷ lục năm 2012 là 38,4 độ), tại Bắc Giang 40,5 độ (kỷ lục năm 1994 là 38,7 độ), tại Phủ Liễn (Hải Phòng) 39,5 độ (kỷ lục năm 2001 là 39 độ).

Tại sao Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc bộ nắng nóng kỷ lục?
Toàn Việt Nam nằm trong rìa của vùng thấp đấy nên nắng nóng rộng khắp toàn bộ Bắc bộ, Bắc Trung bộ.

Lý giải về việc này, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, thông thường các đợt nắng nóng gay gắt diện rộng trước đây, vùng thấp thường có tâm ở Myanmar hoặc Vân Nam (Trung Quốc). Toàn Việt Nam nằm trong rìa của vùng thấp đấy nên nắng nóng rộng khắp toàn bộ Bắc bộ, Bắc Trung bộ. Những nơi nắng nóng nhất thường tập trung ở Tây Bắc bộ cũng như miền tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, đợt nắng nóng gay gắt diện rộng đang diễn ra, có một tâm thấp nhỏ và phụ ở ngay Bắc bộ nên các tỉnh đồng bằng, trung du, miền núi phía Bắc mới là trung tâm của nắng nóng với hàng loạt kỷ lục mới được thiết lập.

Ông Hải cũng cho biết thêm, có ý kiến cho rằng, Hà Nội, đặc biệt là Hà Đông nắng nóng kỷ lục có thể do chặt cây xanh, bê tông hóa. Tuy nhiên, không chỉ Hà Nội, các tỉnh xung quanh Hà Nội đều nắng nóng kỷ lục, riêng Chí Linh (Hải Dương), nhiệt độ cao nhất đo được là 42,2 độ.

Ông Hải cũng cho biết thêm, ý kiến đợt nắng nóng gay gắt diện rộng lần này chưa từng gặp cũng cần phải xem xét lại bởi môi trường xung quanh các trạm đo khí tượng đã thay đổi nhiều dẫn đến nhiệt độ đo được cũng có khác biệt. “Hầu hết các trạm khí tượng của chúng tôi đều nằm ở các khu đô thị, xung quanh đó đã bị bê tông hóa so với trước đây. Ví dụ Trạm khí tượng Hà Đông ở Ba La ngày xưa được bao quanh bởi toàn đồng ruộng, bây giờ xung quanh là nhà cửa, bê tông”, ông Hải chia sẻ.

 

Theo Tiền Phong