Bằng cách quay phim một giọt mưa đang rơi, các nhà khoa học ở Pháp đã giải thích tại sao các hạt mưa có nhiều kích cỡ khác nhau như thế. Viết trên tạp chí Nature Physics, nhóm nhà khoa học mô tả hạt mưa biến dạng và vỡ ra như thế nào trong khi rơi xuống.
Các mảnh vỡ của nó phù hợp với kích cỡ và sự phân bố các hạt mưa trong những trận mưa tự nhiên. Trước đây các nhà khoa học nghĩ rằng các hạt mưa đụng nhau khi rơi xuống, và những tương tác này tạo ra các kích cỡ hạt mưa. Nhưng người đứng đầu cuộc nghiên cứu, tiến sĩ Emmanuel Villermaux thuộc Đại học Aix-Marseille, giải thích rằng có “thiếu sót” trong ý tưởng này. “Các hạt mưa dường như không thường đụng nhau. Chúng rất xa nhau, có vẻ rơi một mình và không hề “thấy” các giọt lân cận”, ông cho biết.
Một hạt mưa biến dạng khi rơi trong không khí và cuối cùng nở lớn và phát nổ (Ảnh: Đại học Aix-Marseille) |
Với một camera tốc độ cao, Villermaux và đồng nghiệp chỉ quay phim một giọt mưa duy nhất – đường kính cỡ 6mm. Họ thu hình sức kháng cự của không khí làm nó biến dạng và cuối cùng vỡ ra như thế nào. Hạt mưa lớn, tròn, dần dần dẹp lại và khi trở nên lớn hơn đã “nắm bắt” không khí ở phía trước để hình thành một cái túi lộn ngược. Cuối cùng túi này nở ra và phát nổ thành nhiều hạt nhỏ hơn. Điều này xảy ra vì các hạt quá lớn và nặng không thể giữ nguyên được. Mỗi hạt lớn, nặng tăng tốc khi rơi và “phải chuyển dịch các phân tử không khí” trên đường đi của nó, Villermaux giải thích.
“Khi vỡ, các mảnh vỡ của hạt mưa có đúng kích cỡ như những hạt mưa chúng ta thấy trong các trận mưa”, Villermaux kết luận.
(Ảnh: Guim.co.uk) |
Theo Quang Hương – Tuổi trẻ (BBC)