Cụ thể, nếu người thông minh dành nhiều thời gian cho bạn bè, họ sẽ không cảm thấy hạnh phúc mấy.
Tháng trước, một nghiên cứu mới rất hấp dẫn đã được đăng trên Tạp chí Tâm lý học của Anh. Các nhà tâm lý học tiến hóa Satoshi Kanazawa của Trường Kinh tế London và Norman Li của trường Đại học Quản lý Singapore đã đào sâu vào câu hỏi: Điều gì khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn? Vốn là một vấn đề thuộc lĩnh vực của các linh mục, triết gia và nhà văn, song trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu, nhà kinh tế, sinh học và các nhà khoa học đã tham gia trả lời câu hỏi đó.
Mật độ dân số càng cao, càng ít hạnh phúc.
Kanazawa và Li đưa ra giả thuyết rằng lối sống săn bắn hái lượm của tổ tiên loài người đã hình thành nên nền tảng mang lại hạnh phúc cho chúng ta hiện nay. Hai nhà khoa học này đã sử dụng cái mà họ gọi là “lý thuyết xavan về hạnh phúc” để giải thích 2 phát hiện lớn trong một phân tích khảo sát quốc gia lớn (có 15.000 người tham gia) trong độ tuổi từ 18 đến 28.
Đầu tiên, họ phát hiện ra những người sống tại các khu vực đông dân cư thường có xu hướng không hài lòng với cuộc sống chung của họ. “Mật độ dân số càng cao, càng ít hạnh phúc”, khảo sát cho biết. Thứ hai, họ nhận ra những người càng có nhiều tương tác xã hội với bạn bè thân thiết, sẽ càng hạnh phúc hơn.
Những người càng có nhiều tương tác xã hội với bạn bè thân thiết, sẽ càng hạnh phúc hơn.
Nhưng, có một ngoại lệ lớn. Với những người thông minh hơn, những phát hiện trên có vẻ không đúng lắm, thậm chí trái ngược. “Với những người có chỉ số IQ thấp, ảnh hưởng của mật độ dân số đối với chỉ số hạnh phúc cao gấp đôi so với những người có chỉ số IQ cao. Ngoài ra, những người thông minh hơn thực sự kém hạnh phúc hơn nếu họ giao tiếp với bạn bè thường xuyên hơn”.
Cụ thể, nếu người thông minh dành nhiều thời gian cho bạn bè, họ sẽ không cảm thấy hạnh phúc mấy.
Cả hai phát hiện trên đều gây tranh cãi lớn. Trước đây, một cơ quan nghiên cứu lớn cũng đã có một báo cáo gọi là “yếu tố hạnh phúc của người đô thị”. Kanazawa và Li giải thích rằng: “Những người sống ở các khu vực nông thôn và thị trấn nhỏ hạnh phúc hơn những người sống ở vùng ngoại ô, và những người sống ở ngoại ô lại hạnh phúc hơn những người sống ở các thành phố trung tâm nhỏ, và rồi những người sống ở các thành phố trung tâm nhỏ lại hạnh phúc hơn những người sống ở các thành phố trung tâm lớn”.
Tại sao mật độ dân số cao lại khiến người ta ít hạnh phúc hơn? Đã có nghiên cứu xã hội học đề cập đến vấn đề này, nhưng để rõ ràng nhất, đơn giản hãy thử đạp xe một vòng 45 phút qua những con phố đông đúc vào giờ cao điểm, bạn sẽ biết mình cảm thấy như thế nào.
Tại sao người thông minh lại thường có ít bạn bè hơn?
Phát hiện thứ hai của Kanazawa và Li kém thú vị hơn. Bởi vì, không có gì ngạc nhiên khi các mối quan hệ gia đình và bạn bè được xem là những yếu tố nền tảng mang đến hạnh phúc. Nhưng tại sao điều này lại không đúng với những người thực sự thông minh?
Những người thông minh thường hạn chế lãng phí trí tuệ của mình cho các mối quan hệ không cần thiết.
Carol Graham, một nhà nghiên cứu của Viện Brookings, chuyên nghiên cứu về nguyên lý hạnh phúc, cho rằng những người thông minh hơn không muốn dành nhiều thời gian kết giao, tương tác với bạn bè, vì họ bị cuốn hút vào những mục tiêu lâu dài hơn.
Hãy nghĩ về những người thực sự thông minh mà bạn biết. Họ có thể là một bác sỹ đang cố gắng tìm cách cứu chữa khỏi bệnh ung thư, hay một nhà văn đang viết cuốn tiểu thuyết vĩ đại, hay một luật sư bảo vệ quyền con người đang nỗ lực bảo vệ những người yếu thế, tổn thương nhất trong xã hội. Với những người này, việc tương tác với bạn bè, người thân có thể khiến họ sao nhãng các mục tiêu, và khiến họ không hài lòng.
Nhưng “lý thuyết Xavan về hạnh phúc” của Kanazawa và Li lại có cách giải thích khác. Cách giải thích này bằng tiền đề rằng bộ não con người luôn tiến hóa để đáp ứng nhu cầu về môi trường của tổ tiên chúng ta trên thảo nguyên châu Phi (nơi chỉ có mật độ dân số chưa đến 1 người/1 km vuông); và ngày nay bộ não chúng ta phải sống trong những khu vực như là Manhattan (mật độ dân số là 27.685 người/km vuông).
Tương tự đối với tình bạn, tổ tiên chúng ta sống thành những nhóm nhỏ gồm khoảng 150 người để săn bắt hái lượm, trong bối cảnh đó, việc giao tiếp thường xuyên với những người bạn bè lâu năm là cần thiết để sinh tồn và sinh sản. Đời sống con người về cơ bản đã thay đổi rất nhanh kể từ ngày đó – khi chúng ta chưa hề có xe hơi hay iPhone – và hoàn toàn có thể xảy ra khả năng cơ thể sinh học của chúng ta không thể tiến hóa đủ nhanh với đời sống. Vì vậy, có thể có một sự “lỗi nhịp” nào đó giữa việc bộ não và cơ thể chúng ta được thiết kế như thế nào, với việc thế giới mà chúng ta đang sống ra sao.
Sống trong một khu vực đông dân cư có thể chỉ tác động nhỏ đối với bạn.
Trong khi đó, những người thực sự thông minh có thể thích nghi tốt hơn với cái mới, họ có trí thông minh cao hơn, vì thế có khả năng xử lý các vấn đề tốt hơn. Nếu bạn thông minh hơn và có khả năng thích nghi hơn, bạn có thể dễ dàng hòa nhập với thế giới hiện đại. Vì thế, sống trong một khu vực đông dân cư có thể chỉ tác động nhỏ đối với bạn. Tương tự, những người thông minh cũng dễ dàng vứt bỏ thói quen giao tiếp, tương tác nhiều với bạn bè như trong xã hội hái lượm ngày xưa – đặc biệt nếu họ đang theo đuổi một số tham vọng lớn.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng đây vẫn chỉ là những giả thuyết, tranh cãi mà Kanazawa và Li đưa ra, chứ chưa phải là khoa học. Hơn nữa, những phát hiện trên đang gây nhiều tranh cãi. Carol Graham của Viện Brookings nói rằng có một lỗi tiềm ẩn trong nghiên cứu của họ, đó là họ định nghĩa hạnh phúc theo cách chính những người được hỏi tự nhận xét về mức độ thỏa mãn trong cuộc sống (bạn hài lòng với cuộc sống của mình như thế nào), chứ không xem xét ở khía cạnh trải nghiệm, như là bạn cười bao nhiêu lần trong ngày, bạn tức giận bao nhiêu lần? Các nhà nghiên cứu hiểu rằng hai dạng câu hỏi này có thể dẫn đến những kết quả rất khác nhau về hạnh phúc.