Theo BBC, các nhà khoa học của Agroscope, viện nông nghiệp quốc gia Thụy Sĩ, cho rằng “những hạt cỏ khô siêu nhỏ” đã rơi vào xô thu mua sữa, và phát triển thành các lỗ rỗng to bên trong pho mát chín.
Hạt cỏ khô tạo thành “mắt” pho mát. (Ảnh: AP)
Quá trình này chỉ ảnh hưởng đến một số loại pho mát Thụy Sĩ như Emmental hay Appenzell.
Phát hiện này lý giải tại sao pho mát Thụy Sĩ lại ít lỗ hơn trong 15 năm qua. Phương pháp vắt sữa hiện đại đã hạn chế khả năng hạt cỏ khô rơi vào thùng chứa sữa. Các nhà khoa học đưa ra kết luận trên, sau khi thêm một lượng nhỏ hạt cỏ khô vào sữa, ủ thành pho mát trong hơn 130 ngày.
Chưa có chuyên gia nào lên tiếng phản biện kết luận này. Quan điểm cho rằng vi khuẩn tạo lỗ trong pho mát có từ năm 1917, theo công bố của nhà khoa học Mỹ William Clark.
Ngành công nghiệp sản xuất pho mát gọi các lỗ là “mắt pho mát“. Bất kỳ loại pho mát nào không có mắt bị coi là “mù.” Trên thế giới có hàng nghìn chủng loại pho mát, làm từ nhiều loại sữa khác nhau.
Loại pho mát đắt nhất thế giới làm từ sữa lừa ở vùng Zasavica, tây trung bộ Serbia, có giá gần 6.500 USD/kg năm 2012. Theo Huffington Post, phải mất 25 kg sữa lừa tươi mới nấu được 1 kg pho mát. Sữa lừa được cho là bí quyết giữ gìn sắc đẹp của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra.
Vắt sữa lừa ở trang trại Zasavica, Serbia. (Ảnh: Reuters)