Tắm biển, đi bơi đề phòng chuột rút nguy hiểm tính mạng

Khi đi biển ngoài nỗi lo sứa còn phải lưu ý đến hiện tượng chuột rút. Bởi nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến đuối nước và tử vong. Hiện tượng nhận biết chuột rút là bắp chân, phần cơ bụng hoặc cánh tay đột nhiên bị đau, bạn không thể co hoặc duỗi ra như bình thường vì đau.

Trao đổi với chúng tôi anh Chí Thành (huấn luyện viên dạy bơi) cho biết, chuột rút có thể do nhiều nguyên nhân như bạn vận động quá mạnh mà trước đó không khởi động làm cho cơ bị ảnh hưởng, cũng có thể do lượng muối trong máu thấp. Chuột rút có thể gặp ở bất cứ ai, kể cả những người đã bơi thành thạo, lâu năm và cả những vận động viên bơi. Sự nguy hiểm khi bơi càng tăng lên khi gặp chuột rút, lúc đó bạn không cử động được vùng cơ bị chuột rút dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

Đề phòng chuột rút thế nào?

Theo anh Thành, để đề phòng chuột rút, khi đi bơi hoặc đi biển, điều quan trọng cần phải tuân thủ là vận động và tập một số động tác cơ bản trước khi xuống nước. Nếu không khởi động mà chạy xuống nước ngay, các cơ trong cơ thể chưa kịp thích ứng nên có thể dẫn đến chuột rút.

Những động tác khởi động đơn giản như xoay cổ tay, cổ chân, xoay khớp cổ, tập chạy tại chỗ hoặc tập chạy cự ly ngắn nhẹ nhàng. Không nên tập gắng sức, tập quá nặng sẽ ảnh hưởng sức khỏe khi bơi lội. Khởi động trong vòng 10-15 phút là vừa đủ.

      

 

Ngoài ra, bạn có thể uống thêm các loại nước khoáng, nước chanh. Lưu ý hàng ngày uống đủ nước, không để khát khi xuống nước.

Mặt khác, bạn cần lưu ý không đi bơi, tắm biển khi bụng đói, sau khi say xe, cơ thể ốm hoặc mệt mỏi. Ngoài ra, lúc ăn no cũng không nên xuống nước bởi lúc này rất dễ thiếu oxy cung cấp cho các nhóm cơ cho nên dễ xảy ra chuột rút.

Sau khi khởi động xong, lúc xuống biển cũng nên từ từ không nên quá vội vàng. Xuống nước từ từ sẽ giúp cho cơ thể bạn dần thích nghi với môi trường dưới nước một cách dễ dàng hơn.

“Để phòng tránh chuột rút chú ý giữ thói quen tập thể dục mỗi buổi tối và sáng thức dậy. Buổi tối khi ngủ có thể kê chăn ở đầu chân vừa mức để máu được lưu thông dễ dàng.

Không chỉ có khi chuẩn bị xuống nước mà ngay cả khi lên bờ, bạn cũng cần phải chú ý để tránh chuột rút. Bạn cần quàng khăn giữ ấm cơ thể, chọn nghỉ ngơi nơi kín gió, nằm nghỉ trong vòng 10 phút. Sau đó cần tắm lại với nước ấm vừa tráng cơ thể và giúp cơ thể ấm lại sau khi tắm dưới nước biển hoặc bể bơi“, anh Thành nhấn mạnh.

Với bà bầu, trong thai kỳ có thể xảy ra chuột rút do nhu cầu canxi tăng lên từ bào thai nên dẫn đến mất cân bằng canxi ở cơ thể mẹ. Trong khi đó, thai phụ bị nôn do ốm nghén dẫn đến thiếu chất, mất cân bằng điện giải cũng dễ dẫn tới chuột rút.

Vì vậy, bà bầu cần chú ý massage chân hoặc ngâm chân bằng nước ấm trước khi ngủ, ăn uống bổ sung thêm canxi, đủ chất dinh dưỡng. Ngoài ra, bà bầu tránh ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu, đi lại nhẹ nhàng để máu được lưu thông.

Xử trí thế nào?

Khi gặp chuột rút, bạn không nên cố gắng quẫy đạp mạnh, điều này càng làm bạn sớm kiệt sức và bị chìm nhanh. Cách tốt nhất hãy cố gắng thả lỏng người để các cơ được giãn ra, dùng một bàn tay ra hiệu cho người xung quanh, người bơi gần nhất hoặc đội cứu hộ.

Khi bị chuột rút, bạn nên bơi vào bờ nhưng nếu không thể bơi vào bờ cần phải giữ bình tĩnh, không hoảng loạn, thả lỏng cơ thể trên mặt nước. 

Nếu chuột rút xảy ra ở cơ hoành, cơ bụng, bạn có thể xoa các vùng xung quanh cơ hoành. Ngoài ra, có thể bấm huyệt vùng chi đối xứng. Dùng mọi cách ra hiệu cho đội cứu hộ hoặc người trên bờ.

“Chuột rút xảy ra ở đùi, hoặc các vùng cơ khác nếu ở xa bờ thì nên thả lỏng cơ thể, để cơ được duỗi ra, xoa nhẹ nhàng quanh cơ. Còn nếu lên được bờ, bạn có thể nhờ một người khác kéo cao chân, nâng gót sau đó ấn đầu gối. Nếu chuột rút ở bắp chân nên đứng dậy bằng gót, duỗi chân ra để cơ được giãn ra thoải mái hoặc nhờ ai đó kéo cao chân rồi ấn bàn chân về phía đầu gối”, anh Thành nói.

Chuột rút ở bàn chân có thể đứng dậy, chạm bàn chân xuống đất trừ gót chân, đứng thẳng người để cơ bàn chân được giãn ra. Nên chuẩn bị sẵn dầu nóng, bạn có thể bôi vào vùng cơ bị chuột rút để cảm thấy dễ chịu hơn.

Diệu Linh
(Theo Congluan.vn)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.