Tấm khiên đồng có thể bảo vệ Trái Đất khỏi bão Mặt Trời

Tấm khiên đồng có thể bảo vệ Trái Đất khỏi bão Mặt Trời

Các nhà khoa học Mỹ đưa ra ý tưởng bố trí một khiên chắn lớn ngoài không gian để bảo vệ Trái Đất khỏi thảm họa bão Mặt Trời.

Để bảo vệ Trái Đất trước nguy cơ bão Mặt Trời gây thiệt hại nghiêm trọng đến hệ thống thông tin liên lạc và lưới điện toàn cầu, các nhà khoa học Mỹ đề xuất lắp đặt khiên chắn từ trường tầm lớn ngoài vũ trụ, IB Times hôm 3/10 đưa tin.

Hiện tượng phun trào nhật hoa tác động đến Trái Đất. (Video: YouTube).

Bão Mặt Trời, trong đó có hiện tượng phun trào nhật hoa (CME), giải phóng các hạt mang điện có thể làm gián đoạn hệ thống vệ tinh, điện và mạng Internet trên Trái Đất, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhà khoa học Manasvi Lingam và Avi Loeb tại Trung tâm Vật lý Thiên thể Harvard-Smithsonian nhận định.

Lingam và Loeb cho rằng hiện tượng phun trào nhật hoa mạnh xảy ra mỗi 100 năm, lần gần nhất chạm tới Trái Đất năm 1859, gọi là sự kiện Carrington. Trận bão Mặt Trời này đã gây ảnh hưởng xấu đến các trạm điện báo khắp châu Âu và Bắc Mỹ.

Hiện nay, thế giới phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ để trao đổi thông tin và duy trì hoạt động, từ thị trường tài chính, các phương tiện di chuyển đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu một trận bão Mặt Trời nghiêm trọng như vậy xảy ra lần nữa thì hậu quả sẽ lớn hơn nhiều, chưa kể những tổn thất khi toàn thế giới mất kết nối.

Hiện tượng phun trào nhật hoa trên Mặt Trời. (Video: NASA).

“Chúng tôi dự đoán trong vòng 150 năm tới sẽ có một sự kiện CME gây thiệt hại tương đương GDP của toàn nước Mỹ, tức là xấp xỉ 20 nghìn tỷ USD. CME càng xảy ra muộn, thiệt hại càng tăng theo cấp số mũ”, Loeb nói với Gizmodo. Khả năng đợt phun trào nhật hoa tiếp theo ảnh hưởng đến Trái Đất trong 10 năm tới là 10%.

Nhóm nghiên cứu đưa ra kế hoạch bảo vệ Trái Đất bằng một tấm khiên khổng lồ chắn giữa Trái Đất và Mặt Trời. Tấm chắn kích thước lớn này là những cuộn đồng có tổng trọng lượng 100.000 tấn, đặt cách Trái Đất 330.000km và làm chệch hướng các hạt mang điện của Mặt Trời bằng từ trường nhờ lực Lorentz.

Tấm khiên đồng có thể bảo vệ Trái Đất khỏi bão Mặt Trời
Kế hoạch lắp đặt lá chắn từ trường quy mô lớn giữa Trái Đất và Mặt Trời. (Ảnh: IB Times).

Việc sử dụng các vòng nam châm sẽ không cản ánh nắng chiếu qua, hơn nữa không phải sử dụng một khối lượng vật chất quá lớn, khiến các kỹ sư tốn nhiều công xây dựng và gây trở ngại đáng kể khi vận chuyển vào không gian. Một lợi ích nữa của khiên chắn bằng cuộn đồng là con người hoàn toàn đủ khả năng kỹ thuật để xây dựng hệ thống này.

Các nhà khoa học thừa nhận chi phí chế tạo khiên chắn sẽ không rẻ, nhưng số tiền tiết kiệm được so với những thiệt hại mà CME gây ra khi chạm đến Trái Đất vẫn rất lớn. Tuy nhiên, khả năng hoàn thành lá chắn kịp lúc vẫn còn là điều đáng bàn.

“Có thể phải mất vài thập kỷ để xây dựng lá chắn trong vũ trụ. Chi phí di chuyển những thiết bị cần thiết nặng khoảng 100.000 tấn lên không gian có thể là vài trăm tỷ USD, ít hơn nhiều thiệt hại dự kiến do bão Mặt Trời gây ra trong một thế kỷ”, Loeb nhận xét.

Nhóm nghiên cứu cho rằng lá chắn này có thể được xây dựng ngoài không gian với chi phí tương đương Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

 

Theo VnExpress