Năm nay mới đầu tháng 7 âm mà mọi người đã tấp nập chuẩn bị làm bánh trung thu. Có người sên nhân, nấu nước đường cho bánh nướng, bánh dẻo. Nghe đâu nước đường cũng được nấu từ rất sớm rồi, hình như là tầm cuối xuân, đầu tháng 4 thì phải. Cũng đúng, vì nước đường để càng lâu thì lên bánh màu càng đẹp. Còn nhớ lúc còn bé, cả năm chỉ chờ đến dịp trung thu, dịp ấy mới được ăn bánh dẻo, bánh nướng mới được mua đồ chơi. Có lẽ vì thế mà cảm giác đêm Rằm tháng tám nó háo hức và đợi chờ hơn bây giờ nhiều. Một mâm cỗ lớn: bày hoa quả, bánh dẻo, bánh nướng, có bát chè hoa cau, hương hoa bưởi thơm ngát một góc sân, trăng trên cao sáng và trong,…
Mấy năm trước tôi cũng từng viết một bài về bánh trung thu, tôi mải mê vào việc tìm kiếm về các loại bánh mới, những chiếc bánh trung thu của nhiều nước khác nhau mà quên đi rằng trung thu luôn mang một ý nghĩa là “ đoàn viên”, nên hãy cứ nói về những câu chuyện gần gũi nhất, viết về chiếc bánh dẻo, bánh nướng mang những hương vị truyền thống suốt bao đời nay.
Nếu có ai đó hỏi bánh trung thu truyền thống là như thế nào? Câu trả lời của tôi sẽ là bánh dẻo đậu xanh trứng muối, bánh nướng thập cẩm, nó có mùi thơm của lá chanh và đâu đó là hương vị của rượu Mai Quế Lộ. Chỉ là một chiếc bánh nhỏ, nhưng mấy ai nghĩ được rằng phần nhân bên trong lại gồm nhiều nguyên liệu và hương vị đến như vậy: hạt sen, hạt điều, hạt dưa, vừng, mỡ đường, mứt quả khô, lạp xưởng,…
Hạt sen là hạt sen đã được ngào đường thơm ngát, thường là những hạt sen được chọn từ mùa sen vừa xong, được làm thành sen đường, ngọt vừa phải mà thơm. Hạt điều, hạt dưa và vừng đều được phơi khô, rồi đem rang chín. Cái thứ khó làm nhất chắc hẳn là mỡ đường, phải chọn được loại mỡ khổ thật ngon, đem về rửa sạch sẽ rồi luộc lên rồi đem thái hạt lựu, rồi trộn với đường, cứ một đường, hai mỡ, đem phơi dưới nắng đến khi thấy mỡ đường trong veo là được mẻ mỡ đường làm bánh trung thu ngon lành rồi. Tất cả các loại được thái nhỏ hạt lựu, mỗi lần thái hạt làm nhân là một lần cái tay bị đau cứng vì các loại hạt rất cứng, vậy nên được tặng một chiếc bánh quý trọng biết nhường nào. Sau khi cho tất cả vòng một cái âu, trộn thêm với chút nước đường bánh nướng, hắc xì dầu và tất nhiên có cả rượu Mai quế lộ, vài muỗng bột bánh dẻo để kết dính nhân và cái nguyên liệu không thể thiếu được là lá chanh non được thái chỉ, thơm lừng. Nắm nhân thật chặt thành những cục tròn vo, phần nhân được làm ngon lắm, nên khi làm cứ muốn ăn vụng luôn, vì cái mùi nó thơm nức mũi, nghĩ đến thôi là thấy cái vị của ngày xưa được gói gọn ở bên trong rồi.
Có nhân thập cẩm không quên nhắc đến nhân đậu xanh, trà xanh hay hạt sen với lòng đỏ trứng muối. Sên những loại nhân này cần một người làm cần mẫn, vì thời gian sên nhân rất lâu, đến khi nhìn thấy nhân trong mới được, quá lửa tí cũng hỏng vì nhân sẽ bị ra dầu ảnh hưởng đến cả lớp vỏ bánh.
Vỏ bánh nướng thường có hai loại loại vỏ mềm, sau khi nướng vài ngày lớp dầu “tươm”, vỏ bánh xuống màu vàng sẫm rất đẹp. Còn một loại nữa là vỏ cứng, khi ăn có cảm giác vỏ bánh hơi giòn và cứng nhưng cực thơm. Đến giờ vẫn chưa khám phá ra cái bí quyết hương vị của những nhà làm bánh lâu đời.
Tôi vẫn hay trêu bạn bè là bánh trung thu không dành cho người vội làm, hay cũng như vội ăn. Muốn được thưởng thức một chiếc bánh ngon thì thường phải chờ tầm từ 2-3 ngày sau khi bánh được làm xong mới nên ăn, bánh lúc ấy xuống dầu, lớp vỏ đẹp và thơm hơn. Thưởng bánh với chén trà nhài cảm thấy năm tháng thật gần. Bánh nướng làm xong để ngoài chẳng cần tủ lạnh mà 7-10 ngày vẫn cứ ngon, còn bánh dẻo thì thời gian để được ngắn hơn chút. Chứ bánh trung thu chẳng phải loại “kiêu kì” mà mua về phải ăn ngay không sợ nó hỏng mất.
Đêm Rằm, trăng sáng, cắt những chiếc bánh, cả gia đình ngồi bên nhau, hương vị bao năm vẫn vậy, có mùi thơm của lá chanh, vị ngọt ngọt của lớp vỏ và mỡ đường; bùi, thơm của các loại hạt; đặc biệt còn thấy vị của hè còn sót của hạt sen trong bánh nướng; còn có hương hoa nhài thoang thoảng, phần lòng đỏ trứng muối bùi bùi, thơm mùi thảo quả, hồi, lớp vỏ mềm, dẻo của bánh dẻo, chỉ từng đó thôi là có một đêm trăng Rằm đủ đầy!
Summer Ice
Ảnh từ: Blogger Mẹ Táo Mèo, Lâm Anh Đào – Em đẹp
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.