Rái cá lông mượt là một loài động vật hoang dã siêu đáng yêu của Việt Nam. Đáng tiếc rằng số lượng của chúng đang bị suy giảm nghiêm trọng.
Với ngoại hình siêu dễ thương, rái cá lông mượt là loài vật có thể làm tan chảy trái tim của những người yêu thích động vật hoang dã. Ảnh chụp tại Thảo Cẩm Viên Sài Gòn.
Đây là một loài động vật thuộc họ chồn, tên khoa học là Lutrogale perspicillata, có địa bàn phân bố khá rộng ở Việt Nam. Chúng đã được ghi nhận ở Quảng Ninh, Đắk Lắk, Lâm Đồng…
Rái cá lông mượt có thân hình dài mềm dẻo. Mõm ngắn hơi dẹp bề ngang, đầu tương đối tròn. Màng bơi da trần phủ hết ngón. Vuốt dài, sắc. Tai lớn hơn tai rái cá thường, vành tai tròn, có nắp che lỗ tai. Bộ lông mầu xám đến nâu hung, gần giống rái cá thường nhưng lông dài và mịn mượt hơn.
Môi trên, má, họng và cổ của loài vật này màu trắng sữa, kéo đến ngực. Lông bụng mầu sáng hơn trên lưng. Đặc điểm nổi bật khác với các loài rái cá khác là đuôi dẹp ra hai bên dáng mái chèo.
Cuộc sống của rái cá lông mượt gắn liền với các thuỷ vực như bờ biển, sông ngòi, khe suối, thức ăn chủ yếu là cá, sau đến các loài khác như cua, ốc, ếch nhái, lưỡng cư… Khi bơi chân chúng áp sát thân, dùng đuôi để bơi như mái chèo.
Rái cá lông mượt đào hang làm tổ ở các hốc cây, hốc đá. Chúng hoạt động cả đêm và ngày, sống theo đàn, mỗi tổ 3- 5 con; lúc kiếm ăn có thể quy tụ thành đàn lớn 7 – 10 con.
Tập tính sinh sản của loài vật này chưa được nghiên cứu chi tiết. Thời gian mang thai của chúng được xác định khoảng 63 ngày, mỗi lứa đẻ 2-3 con. Con sơ sinh yếu và chưa mở mắt.
Đây là một loài vật rất lanh lợi, ưa leo trèo, chạy nhảy, bơi lội và đùa giỡn với đồng loại.
Trước đây rái cá lông mượt có số lượng quần thể khá phong phú ở Việt Nam, nhưng hiện nay do săn bắt và môi trường, nơi sống bị suy thoái nên vùng phân bố bị thu hẹp nhiều và số lượng giảm sút nghiêm trọng.
Rái cá lông mượt đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, thuộc nhóm IB – nghiêm cấm mọi hoạt động săn bắt, buôn bán và làm huỷ hoại, ô nhiễm môi trường nước nơi loài vật này sinh sống.
Theo kienthuc