>> Giải pháp cho không gian nhỏ
>> DIY – Ai cũng có thể tự tay làm
Tình trạng phổ biến ở những căn bếp có diện tích nhỏ, đó là bạn và người thân luôn “mòn mắt” khi tìm những vật dụng cũng rất nhỏ nhưng vô cùng cần thiết hàng ngày như dao, kéo, thìa, dĩa, muôi… Hơn nữa, do diện tích nhỏ hẹp, nhiều lúc bạn chỉ muốn nổi cáu vì không thể giảm những vật dụng cần thiết cho việc nấu nướng và ăn uống hàng ngày. Chỉ có cách, bạn chọn được những giải pháp phù hợp, cất trữ và sắp xếp đồ dùng một cách gọn gàng, dễ cất, dễ tìm, dễ thấy.
Sắp xếp đồ dùng hợp lý giúp căn bếp nhỏ gọn gàng và rộng thoáng hơn.
Hãy tham khảo một vài ý tưởng thú vị trong bài viết dưới đây, để có thêm phương án bài trí, cất trữ tốt hơn, tiện dụng hơn, gọn gàng hơn cho căn bếp của gia đình.
1. Phân chia ngăn kéo từ tận dụng đồ cũ
Khi khu vực nấu nướng có diện tích không được rộng rãi như những gia đình khác, có thể do diện tích thực nhưng cũng phần nhiều là do bạn chưa biết cách tận dụng triệt để những khoảng diện tích quý báu cho việc cất trữ đồ. Đồ đạc trong bếp cũng không thể giảm bớt do nhu cầu nấu nướng, sinh hoạt thường ngày là như nhau. Chỉ còn phương án là bạn tìm ra những cách sắp xếp đồ khoa học, hợp lý.
Tận dụng các hộp nhựa hay thanh kim loại làm nhiệm vụ phân chia ngăn kéo.
Đầu tiên, bạn hãy xem xét các ngăn kéo của tủ đựng đồ trong bếp, đây là “khu vực vàng” để bạn cất trữ nhiều dụng cụ làm bếp hay đồ dùng ăn uống. Thường thì các ngăn kéo được sử dụng để đựng những đồ lặt vặt không dùng đến, đồ đã cũ hoặc đồ chỉ có khách mới cần dùng đến mà đáng lẽ ra, chúng sẽ được trưng bày ở những góc khác, đẹp hơn và dễ nhìn hơn trong phòng.
Tận dụng khay nhựa đựng cơm.
Những ngăn kéo nhỏ giờ đây đã được bạn tận dụng triệt để trong việc cất trữ những vật dụng nhỏ xinh. Chia ngăn kéo thành nhiều ô nhỏ từ việc tận dụng khay nhựa đựng cơm không dùng đến, vừa giúp bạn phân chia dễ dàng đồ dùng, vừa giúp căn bếp bớt đi phần nào sự lộn xộn thường thấy. Thay vì việc sử dụng một hay nhiều chiếc giỏ, “tống” hết vật dụng vào một góc, bạn nên đặt chúng trong từng ngăn kéo nhỏ mới phân chia. Hãy đựng vật dụng theo chức năng của nó, dán nhãn phía ngoài ngăn kéo để đảm bảo rằng, bạn dễ dàng tìm kiếm những vật dụng khi cần dùng đến.
Đối với những dụng cụ nấu ăn có chiều dài nhỉnh hơn những đồ dùng thông thường như muôi xúc, đũa nấu hay dụng cụ gắp thức ăn, bạn cũng nên linh hoạt khi sử dụng ngăn kéo. Hãy tạo ô có hộc sâu trong ngăn kéo để đảm bảo cất trữ những đồ đạc dễ khiến bếp thêm lộn xộn này.
Tận dụng các móc treo thừa bên ngoài lắp đặt trong ngăn kéo.
2. Tận dụng vải cũ tạo túi treo đồ
Với gian bếp khiêm tốn của mình, mỗi lần muốn mua sắm thêm vật dụng hẳn bạn sẽ rất đau đầu không biết đặt chúng ở đâu để vừa tiện lợi trong việc sinh hoạt vừa không ảnh hưởng nhiều đến diện tích chung của căn phòng. Hãy nghĩ đến việc tận dụng vải cũ để làm những túi treo đồ, vừa sẽ bớt tốn kém cho ngân sách chung của gia đình, vừa tiết kiệm không gian khi treo trên những mảng tường trống trong bếp.
Cách thực hiện rất dễ dàng. Bạn cần chuẩn bị máy bắn ghim và một vài mảnh gỗ được cắt với kích thước bằng nhau, mẹo nhỏ mách bạn là có thể dùng ngay những chiếc thớt. Sau khi ghim chắc chắn các mảnh vải lên miếng gỗ, hãy sử dụng thêm mảnh vải lượn sóng để dán xung quanh nơi dập ghim. Gắn những chiếc túi treo đồ mới tạo được lên tường và sắp xếp dụng cụ ăn uống hàng ngày vào trong.
3. Không thể thiếu dụng cụ để dao
Dao là một trong những vật dụng không thể thiếu của bất kỳ nhà bếp nào. Vì thế, bạn cần lưu tâm đến nơi đựng dao của gia đình. Bởi nếu bạn sử dụng rất nhiều các loại dao với kích cỡ, kiểu dáng, chức năng khác nhau, sau khi sử dụng lại “mỗi thứ một nơi”, vừa khiến bạn mất thời gian khi tìm dao, vừa gây ảnh hưởng đến sự an toàn của các thành viên trong gia đình. Hãy tận dụng những miếng gỗ lớn, dùng cưa để cắt các rãnh giúp những con dao được cất gọn gàng hơn.
4. Tận dụng hộp nhựa
Khi có thói quen giữ lại những chiếc thìa, dĩa, dao nhựa sau nhiều lần mua sản phẩm được tặng kèm ngoài cửa hàng. Nếu bạn không muốn vứt chúng vào thùng rác, bạn có thể phân loại và cất trữ vào hộp nhựa một cách gọn gàng, tránh ảnh hưởng đến diện tích sử dụng chung của căn bếp.
Có thể một ngày đẹp trời nào đó, bạn hứng thú với dụng cụ bằng nhựa đã “sưu tầm” từ lâu để trang trí cho những góc nhỏ trong nhà trở nên đẹp lạ và bắt mắt hơn.
5. Thêm nơi cất trữ vật dụng nhờ chậu cây
Những chậu bằng nhựa, bằng đất nung vốn dĩ dùng để trồng những loài hoa, cây cảnh nhỏ xinh đặt ở ban công hay làm đẹp khung cửa sổ. Nếu đã lỡ mua quá nhiều chậu mà chưa dùng đến, bạn có thể sử dụng chúng làm nơi đựng những đồ vật trong bếp như dĩa, thìa, dao… Nếu không sẵn có, bạn cũng nên lưu tâm đên ý tưởng này khá mới mẻ và lạ mắt này, hơn nữa, các loại chậu gốm hay nhựa có giá thành rất rẻ. Không quá khó khăn và mất nhiều thời gian, bạn đã có được vật dụng đựng đồ khá bắt mắt và độc đáo cho không gian ăn uống của nhà mình.
6. Lọ thủy tinh đựng đồ
Tận dụng những chiếc lọ đựng dấm hay măng đã hết, rửa sạch sẽ, dùng dây ruy băng thắt nơ ở cổ lọ. Thế là bạn đã có vật đựng thìa, dĩa bắt mắt, khiến căn bếp không chỉ gọn gàng mà còn xinh đẹp.
Cũng như những chậu cây được tận dụng, với lọ thủy tinh, bạn cũng có thể cất trữ đồ dùng một cách đơn giản. Đặt khay đựng lọ thủy tinh lên bàn ăn, vừa trang trí vừa giúp mọi người sắp xếp bàn ăn nhanh chóng và tiện lợi mỗi ngày.
7. Gọn gàng và đẹp mắt nhờ hộp đựng thức ăn
Những chiếc hộp đựng thực phẩm cũng được bạn tận dụng triệt để làm nơi cất trữ dụng cụ ăn uống và làm bếp. Chỉ cần trang trí một chút, dán giấy màu hay bọc vải xung quanh chiếc hộp được tận dụng, chắc chắn ý tưởng này sẽ giúp bạn thêm yêu căn bếp của mình hơn.
8. Tận dụng đồ chơi Lego
Những mảnh lego được con bạn một thời thích thú, nay đang bị “xếp xó” thì đừng vội dẹp bỏ chúng mà hãy tận dụng để làm đẹp cho căn bếp nhỏ. Bạn hãy cùng con yêu của mình ghép những mảnh ghép lại thành một chiếc hộp đựng đồ. Thật đơn giản để tạo nên hộp đựng vật dụng trong bếp, tạo vẻ đẹp sinh động đa sắc màu cho không gian nấu nướng.
Lục Bảo
Nguồn ảnh: Refurbished, Houzz
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.