Tháng 5, tháng 6 là những ngày bận rộn của các sĩ tử chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, đây cũng là thời gian các bạn học sinh, sinh viên rốt ráo chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi cuối kỳ sắp tới. Trong giai đoạn ôn thi, điều quan trọng nhất là giữ được tinh thần minh mẫn, trí nhớ tốt để ôn tập được nhiều kiến thức nhất hướng tới kết quả thi cao như mong muốn.
Giải pháp cho bộ não khỏe
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Tiến Anh (Chuyên khoa Thần Kinh) cho biết, để trí nhớ được minh mẫn, mùa thi cần phải nghỉ ngơi hợp lý. Tuyệt đối không ôn thi quá khuya hoặc ngủ không đủ giấc. Thực tế vẫn có nhiều bạn có thói quen học ban đêm hoặc chơi cả buổi tối đến khi mọi người đi ngủ mới bắt đầu học. Điều này có thể là thói quen của một số người để có được không gian yên tĩnh. Tuy nhiên, nếu học như vậy, ngày hôm sau sẽ rất mệt mỏi. Não phải căng sức làm việc suốt đêm, giờ giấc sinh hoạt đảo lộn làm cho bạn cảm thấy căng thẳng và khó để học thêm kiến thức.
“Trong những ngày ôn thi, bạn phải dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Bên cạnh đó, ngoài thời gian học phải đi dạo xung quanh ở nơi không khí mát mẻ, trong lành để thư giãn. Chọn thêm một số môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, đá cầu, cầu lông… để giải trí sau những giờ căng thẳng. Điều này giúp bộ não được nghỉ ngơi sau những giờ học tập căng thẳng, để có thêm sự thoải mái trước khi học thêm những kiến thức khác cho kỳ thi”, bác sĩ này chia sẻ.
Để nhớ lâu, nhớ được số lượng nhiều kiến thức mà bạn không mất quá nhiều thời gian phải có phương pháp học tập. Tập cách tư duy hoặc cách học theo dạng sơ đồ kiến thức. Nắm những kiến thức chính của phần cần ôn tập. Không nên ôm đồm bằng cách học thuộc toàn bộ sẽ làm bạn quá tải do số lượng chữ, con số, các mốc thời gian hoặc kiến thức cần nhớ quá nhiều. Bộ não là vô hạn nhưng không phải ai cũng có thể nhớ được một lượng kiến thức khổng lồ, do đó bạn cần có phương pháp học tập hợp lý.
Nơi học cần có đủ ánh sáng, có thể đèn điện hoặc ánh sáng tự nhiên. Điều này giúp cho mắt không phải điều tiết quá nhiều gây mỏi mắt, ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Theo bác sĩ Anh, học tập là một quá trình, ôn thi cũng vậy. Bạn cần sắp xếp thời gian trong quá trình ôn thi để hệ thống lại kiến thức. Bộ não muốn nhớ lâu cũng phải trải qua quá trình ôn tập có thời gian để ghi nhớ. Bộ não không phải là rô bốt để có thể nhớ một lúc các kiến thức hoặc vài ba tiếng mà nhồi nhét được hết số sách, vở bạn cần học. Do vậy, bạn cần tránh lối học chộp giật, sát ngày thi mới dùi mài kinh sử. Cách học cấp tốc hoặc sát chân mới nhảy làm cho bạn cảm thấy có thể nhớ nhanh. Tuy nhiên, bạn học trước quên sau mà không nhớ gì vì có quá ít thời gian, trong khi số lượng kiến thức cần nhớ rất nhiều.
Cách học để tăng cường trí nhớ
Nói về cách học, anh Đức Nghĩa (Cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ, để bộ não có thể nhớ dễ dàng, trí nhớ được tốt, kiến thức học được phải có sự xâu chuỗi với nhau. Quá trình xâu chuỗi và liên quan của kiến thức học sau với kiến thức học trước đó sẽ giúp bạn có được khả năng nhớ tốt hơn. Sự hình thành chuỗi đó, làm cho kiến thức gắn kết. Vấn đề học trước là tiền đề cho vấn đề học sau, từ đó khi bạn nhớ được kiến thức trước sẽ nhanh chóng hình dung ra những kiến thức liên quan, tiếp sau đó.
Do vậy, học là một quá trình, ôn tập dù là giai đoạn cũng cần có thời gian. Chỉ có như vậy, bạn mới có cơ hội nghiền ngẫm kiến thức, hệ thống hóa vấn đề cần ôn tập. Từ đó giúp kiến thức được xâu chuỗi một cách hợp lý nhất.
Học ôn thi là giai đoạn không dài so với quá trình học tập nhiều năm của mỗi người. Tuy nhiên, quá trình đó để trí não nhớ được lâu phải có phương pháp học lại. Không thể chỉ học một lần mà nhớ hết được toàn bộ kiến thức. Do vậy, không chỉ học có hệ thống mà còn phải học lại 1-2 lần để không bị quên. Hoặc trong quá trình ôn tập, khi đọc thêm kiến thức mới bạn nên học lại một số kiến thức cũ đã học mà chưa nắm vững. Mỗi ngày như vậy sẽ giúp bạn nhớ được kiến thức kỹ và sâu hơn.
Còn bạn Chí Thành (Cựu sinh viên Đại học Ngoại thương, Hà Nội) chia sẻ, để tăng khả năng nhớ một lúc nhiều kiến thức trong kỳ thi, bạn không nên chỉ dựa vào các con chữ. Bạn cần dựa vào khả năng của mình, sự hài hước và cả sự thú vị để tạo ra những cách nhớ độc đáo. Cách nhớ có thể gắn với hình ảnh, gắn với những sự vật xung quanh cuộc sống.
Thay vì chỉ có học thuộc, viết ra giấy theo sơ đồ, bạn hoàn toàn có thể đứng trước gương diễn đạt các kiến thức đã ôn tập bằng lời. Đây là cách hiệu quả nhất để bạn có thể nói ra những phần đã ôn tập. Cách này giúp cho bạn có được khả năng nhớ sâu và nhớ theo mạch như bạn đang suy nghĩ trong bài viết.
Diệu Linh
(Theo Congluan.vn)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.