Tạo cà chua ghép có khả năng kháng bệnh

Công trình tạo cà chua ghép để chống bệnh héo rũ vi khuẩn đã giành 1 trong 4 giải nhất của Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ tám. Lễ trao giải đã được tổ chức vào tối 19/01 tại Hà Nội.

Với công trình này, VN là nước đầu tiên ở Đông Nam Á đã nghiên cứu và ứng dụng thành công trên diện rộng việc ghép cây cà chua để phòng tránh bệnh héo rũ vi khuẩn (HRVK). Do không dùng hoá chất nên biện pháp rất an toàn cho con người và môi trường.

TS Ngô Quang Vinh (giữa) cùng cộng sự Ngô Xuân Chính và Khương Như Thép. Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ tám (2004 – 2005) có 618 công trình dự thi, trong đó có 4 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba và 27 giải khuyến khích

Tính sáng tạo

HRVK là bệnh lây lan nhanh, do khuẩn Ralstonia solanacearum gây ra. Chúng làm cà chua héo xanh và tỷ lệ cây chết thường là 20-30%, có khi tới 100%.

Trong khi đó, trên thế giới hiện chưa có thuốc phòng trừ hữu hiệu. Giải pháp tốt nhất là ghép ngọn cà chua lên gốc cà tím hoặc cà chua có khả năng kháng bệnh. Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc là những nước đã trồng nhiều cà chua ghép như vậy.

Từ cuối năm 2002, nhóm nghiên cứu do TS Ngô Quang Vinh thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đứng đầu đã nghiên cứu theo hướng trên. Tới năm 2004, họ tìm ra Restovina-1 là giống cà chua thích hợp làm gốc ghép. Khi được ghép trên Restovina-1, giống cà chua Trang Nông (NT386) vừa kháng được HRVK vừa cho năng suất cao hơn trước 20-50%.

Ngoài ra, các tác giả đã nghiên cứu và sản xuất thành công ống ghép bằng cao su tự huỷ, giá thành thấp. Ống vừa khớp với cây cà chua đủ tuổi ghép, có độ mềm thích hợp để ôm chặt vết ghép. Nhờ vậy mà tỷ lệ cây sống trong vườn ươm và ngoài ruộng cao hơn.

Trên cơ sở các trại giống hiện có của nông dân, nhóm còn cải tiến và áp dụng thành công việc tạo ẩm, tạo nhiệt và ánh sáng thích hợp để việc ghép thành công trên diện rộng. Trong khi tại Nhật Bản, cây phải được bảo dưỡng trong tủ đặc biệt sau khi ghép.

Hiệu quả cao

Cho tới nay, đã có 30 trại ghép cây ra đời và cây cà chua ghép đã được canh tác rộng rãi tại Lâm Đồng, với diện tích trên 1.500 ha. Bình quân 1ha cà chua ghép tại đây giúp nông dân tăng thêm thu nhập 35 triệu đồng so với cây không ghép.

Ruộng cà chua ghép tại Đơn Dương, Lâm Đồng

Theo TS Vinh, nơi nào trồng được cà chua thường thì cũng trồng được cà chua ghép. Tiến bộ kỹ thuật này đặc biệt hữu ích đối với việc trồng cà chua mùa mưa (là mùa bị HRVK rất nặng) và cà chua chuyên canh, tạo nguồn hàng ổn định cho nhà máy chế biến.

Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường và tăng thu nhập, kỹ thuật còn giúp tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Được biết, mỗi trại ghép tại Lâm Đồng hiện sử dụng khoảng 30 lao động, với mức thu nhập gần 800.000/tháng mỗi người.

Minh Sơn

 

Theo VietNamNet