Cách chọn mua tỏi
Chọn những củ tỏi chắc chắn, nặng tay, vỏ mỏng mịn, không có đốm vết hay nhạt màu.
Cách bóc tỏi không bị mùi
– Cho tỏi khô vào trong lọ thủy tinh, đậy nắp lại, dùng tay lắc thật mạnh. Chưa đầy một phút, tỏi đã bong vỏ.
Sau đó cho tỏi vào bát, đậy vung lên, lắc thật mạnh theo chiều lên xuống, và cũng chưa đầy 1 một phút, tỏi sẽ sạch vỏ.
– Đem tỏi ngâm chúng trong một bát nước lạnh hay cho vào trong lò vi sóng ngâm thì càng tốt. Sau khoảng 10-15 phút tỏi tự động tách vỏ ra bạn chỉ việc vớt ra và chế biến.
– Hay bóc vỏ tỏi nhanh chóng bằng cách đặt tỏi lên bề mặt phẳng (như thớt), để dao lên trên, đè mạnh xuống, lấy tỏi ra bóc vỏ dễ dàng.
Trường hợp muốn bóc vỏ tỏi còn nguyên tép, cắt ngang đầu tép tỏi, dùng hai ngón tay ép chặt đuôi tỏi như vắt chanh cho vỏ rời ra rồi bóc vỏ.
Mẹo khử mùi tỏi sau khi ăn
– Uống một tách trà xanh, nước chanh hoặc chỉ một cốc nước lạnh vào cuối bữa ăn cũng giúp đem lại hơi thở thơm tho.
– Hoặc bạn ăn một lát bánh mì, vì thiếu carbohydrate từ đường và tinh bột có thể góp phần dẫn đến hơi thở hôi.
– Uống sữa: Chỉ một cốc sữa 200 ml có thể giảm nồng độ AMS trong hơi thở tới 50%. Nó sẽ giúp bạn có hơi thở thơm tho sau khi thưởng thức món ăn có hành và tỏi.
Theo đó, sữa nguyên kem mang lại hiệu quả khả quan hơn so với sữa gầy, nhất là khi dùng kèm trong bữa ăn, thay vì được uống sau đó.
Bảo quản tỏi
Tỏi sẽ tươi mới trong nhiều tuần khi được để nơi tối, khô, mát, có nhiều không khí. Đừng cho tỏi vào tủ lạnh, mà hãy cho tỏi vào giỏ lưới treo ở góc bếp.
Muốn bảo quản vô thời hạn, hãy bóc vỏ và cho tỏi vào lọ thủy tinh đựng đầy dầu oliu.
Bạn có thể thực hiện món dầu tỏi tươi dùng trong 2 tháng bằng cách : bóc vỏ, băm tỏi thật nhuyễn, cho vào lọ nhỏ, đổ đầy dầu, đậy nắp chặt, cho vào tủ lạnh. Mỗi khi cần, múc ra đủ lượng cần dùng. Thêm dầu vào để luôn giữ cho tỏi được ngâm ngập mặt.
Đừng vội bỏ những nhánh tỏi bạc màu, hãy rang chúng trên lửa nhỏ. Để tỏi nguội, xay thành bột mịn, dùng để cho vào nước sốt ớt-cà chua, hay làm gia vị nêm.
Tỏi trị mụn cực “nhạy”
Đơn giản nhất để chăm sóc da, làm giảm mụn là cắt đôi nhánh tỏi rồi thoa trực tiếp lên vùng da bị mụn. Chú ý không nên để tỏi sống trên da quá lâu vì thành phần hoạt chất sulphur có thể làm bỏng da. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả chăm sóc da của tỏi tươi, bạn có thể băm nhuyễn tỏi, thêm một chút nước để có hỗn hợp sền sệt để thoa lên vùng da bị mụn, xoa nhẹ nhàng trong khoảng 3 phút rồi rửa sạch.
Với mụn bọc: Bạn có thể trộn nước ép của hai nhánh tỏi với một phần bằng với giấm rượu táo. Đánh thật đều sau đó rửa mặt thật sạch và dùng bông gòn thấm hỗn hợp này lên vùng da bị mụn trứng cá. Việc sử dụng phối kết hợp giữa tỏi và giấm giống như một “liều thuốc kháng sinh” cho da chống viêm nhiễm,ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn gây nên mụn trứng cá. Đặc biệt, giấm rượu táo còn có tác dụng cân bằng độ pH cho da hiệu quả.
Mụn đầu đen: Dùng hai nhánh tỏi đập dập hoặc xay nhuyễn, một thìa bột yến mạch, một giọt tinh dầu trà xanh, 2-3 giọt nước cốt chanh, một thìa mật ong. Trộn đều thành phần này với nhau và đắp lên vùng da bị mụn đầu đen trong khoảng 2 phút rồi rửa sạch. Thực hiện mỗi ngày một lần, liên tục trong ba ngày.
Tẩy mụn cơm và nốt sần: Dùng củ tỏi thái lát mỏng xát lên mụn cơm 4-5 lần trong một ngày hoặc hàng ngày vào buổi tối dùng củ tỏi giã nhỏ trộn với 1 ít mật ong đắp lên nốt sần và dùng băng dính cố định.
Ăn tỏi sống cũng có tác dụng trị mụn (nhưng có thể gây khó chịu cho dạ dày). Mỗi ngày, ăn 2-3 nhánh tỏi sống liên tục trong khoảng 3 tháng sẽ giúp làm thanh lọc máu. Quá trình thanh lọc này sẽ cải thiện mức độ oxy được vận chuyển đến da, kết quả là giúp làn da phòng và trị mụn tốt hơn.
Một mẹo nhỏ để giảm bớt mùi khó chịu khi ăn tỏi: đầu tiên, loại bỏ phần lõi xanh ở giữa nhánh tỏi – đó chính là trung tâm tạo ra mùi khó chịu của tỏi. Tiếp theo, ngâm nhánh tỏi vào sữa trong khoảng 30 phút, tỏi sẽ được loại bỏ mùi hiệu quả.
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.