Ngày 28/3 (giờ VN), tàu thăm dò Cassini đã bay ngang cực nam mặt trăng Enceladus của sao Thổ ở vị trí thấp nhất từ trước tới nay. Các nhà khoa học cho rằng có thể có một đại dương trên mặt trăng này.
>>>Mặt trăng Titan sao Thổ: 1.000 năm một trận mưa
Các cột hơi nước và các mảnh băng thoát ra từ Enceladus –
dấu hiệu về sự tồn tại của nước trên mặt trăng này
Theo BBC, tàu Cassini đã bay bên trên Enceladus ở độ cao 74km vào lúc 19h30 ngày 27/3 giờ quốc tế (tức 2h30 sáng 28/3 giờ VN). Độ cao này cho phép Cassini “nếm” các mảnh băng vụn và hơi nước từ cực nam của mặt trăng Enceladus.
Trước đó, có nhiều bằng chứng cho thấy các mảnh băng và hơi nước này xuất phát từ một đại dương bên dưới lớp vỏ đóng băng của Enceladus.
Giả thuyết này càng được củng cố khi các nhà khoa học phát hiện có muối trong các mảnh băng. Đây là phát hiện rất quan trọng trong công cuộc tìm kiếm sự sống bên ngoài Hệ mặt trời.
Tàu Cassini đến sao Thổ vào giữa năm 2004, là dự án hợp tác của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) và Cơ quan Không gian Ý (ASI).
Dự kiến đến tháng 10/2015, tàu Cassini sẽ bay đến gần Enceladus hơn thêm 25km.
Theo Tuổi Trẻ, Spacedaily