Tàu thăm dò sao Hỏa của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Curiosity sẽ sớm thực hiện mũi khoan thẳng đầu tiên vào bề mặt hành tinh đỏ, AFP dẫn lời các quan chức thực hiện sứ mệnh cho biết hôm 15/1.
Ngoài ra, các nhà khoa học trong sứ mệnh trị giá 2,5 tỉ USD này cũng giải thích về bản chất tự nhiên của một “hoa sao Hỏa” nhỏ, gây “sốt” cộng đồng mạng trong những ngày qua.
Theo nhà khoa học Aileen Yingst thuộc Viện Khoa học hành tinh Mỹ, thì hình ảnh chụp được bởi tàu Curiosity cho thấy một vật thể giống như một bông hoa, trong thực tế có thể là một hạt khoáng sản cỡ lớn hoặc một viên sỏi.
Đá “John Klein” – nơi tàu Curiosity thực hiện mũi khoan của mình
“Tất cả những thứ này là đá trầm tích, cho thấy sao Hỏa đã có những môi trường tích cực cho chất lỏng tồn tại”, nhà khoa học Yingst nói, và cho biết thêm “kích thước của các hạt khác nhau cho chúng ta biết về tình trạng các dòng chảy khác nhau”.
Hiện Curiosity đang tiến thẳng tới một tảng đá phẳng với các vân đá mờ, nơi các nhà khoa học hy vọng sẽ tìm thấy chứng cứ có sự tồn tại của nước trên hành tinh đỏ.
“Khoan vào đá để thu thập mẫu vật là nhiệm vụ khó khăn nhất của sứ mệnh kể từ khi tàu Curiosity đáp xuống sao Hỏa (ngày 6/8/2012)”, nhà khoa học Richard Cook thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA nói.
Được biết, nơi tàu Curiosity đặt mũi khoan của mình vào được gọi là đá “John Klein” – đặt theo tên của phó giám đốc dự án Phòng thí nghiệm Khoa học sao Hỏa, người đã qua đời vào năm 2012. Curiosity sẽ phân tích các mẫu vật lấy được để xác định các thành phần khoáng chất và đặc tính hóa học của chúng.
Theo AFP, sứ mệnh của tàu Curiosity có thể kéo dài ít nhất hai năm, nhằm mục đích nghiên cứu môi trường của sao Hỏa, dọn đường cho một sứ mệnh đưa người đến hành tinh đỏ trong tương lai.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa qua cũng đã tuyên bố sẽ gửi người đến sao Hỏa vào năm 2030.
Theo Thanh Niên