Tàu Progress rời ISS để thực hiện thí nghiệm trên quỹ đạo

Nga sắp phóng tàu tiếp tế lên ISS

Tàu vũ trụ vận tải Progress M-19M của Nga theo kế hoạch vào hôm 11/6 sẽ rời Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), bắt đầu cho chuyến bay kéo dài một tuần để thực hiện các cuộc thí nghiệm trên quỹ đạo, trước khi “chôn thân” trong lòng Thái Bình Dương.

Tàu Progress M-19M sẽ tách khỏi mô-đun Zvezda trên ISS vào lúc 20 giờ 59 phút ngày 11/6 (giờ VN), phát ngôn viên Trung tâm Kiểm soát sứ mệnh Nga cho hay.

Tàu Progress rời ISS để thực hiện thí nghiệm trên quỹ đạo
Tàu vận tải Progress của Nga – (Ảnh: NASA)

Sau khi rời trạm, tàu Progress M-19M sẽ bay trên quỹ đạo trong một tuần để thực hiện thử nghiệm hệ thống radar nghiên cứu các đặc tính vật lý của điều kiện tầng điện ly xung quanh con tàu vũ trụ, gây ra bởi quá trình hoạt động của các động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu lỏng.

Đến ngày 19/6, tàu sẽ kết thúc sứ mệnh của mình bằng việc đâm đầu xuống Thái Bình Dương. Tàu được Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) phóng lên quỹ đạo ngày 24/4 từ Sân bay vũ trụ Baikonur của Nga ở Kazakhstan, mang theo 2,5 tấn hàng hóa, bao gồm nhiên liệu cho trạm, thực phẩm, nước uống và oxy cho các phi hành gia.

Được biết, các thế hệ tàu Progress là “xương sống” trong việc vận chuyển hàng hóa, thiết bị đến cung cấp cho ISS. Ngoài ra, nó còn đảm nhiệm các sứ mệnh giúp điều chỉnh quỹ đạo ISS bằng động cơ đẩy của mình và thực hiện các cuộc thí nghiệm khác.

Việc tàu Progress M-19M rời trạm cũng nhằm nhường chỗ cho tàu vận tải của châu Âu có tên Albert Einstein (tức tàu ATV4) đến trạm ngày 15/6. Tàu Albert Einstein rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kourou ở Guiana thuộc Pháp vào ngày 5/6, mang theo 6,6 tấn hàng hóa đến cung cấp cho ISS.

Tàu chở hàng tiếp theo của Nga là tàu Progress M-20M dự kiến sẽ rời Baikonur vào ngày 28/7 tới.

Hiện trên ISS có sáu phi hành gia đang làm việc thuộc Đoàn bay quốc tế thứ 36, gồm chỉ huy trưởng Pavel Vinogradov và các phi hành gia Fyodor Yurchikhin, Alexander Misurkin (cùng thuộc Roscosmos), Karen Nyberg, Chris Cassidy (cùng thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ – NASA), Luca Parmitano (người Ý, thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu – ESA).

 

Theo Thanh Niên