Ulysses, tàu không gian đầu tiên nghiên cứu về mặt trời không chỉ từ mặt phẳng đường hoàng đạo mà còn từ các cực của mặt trời, được phóng thành công vào vũ trụ năm 1990 bởi tàu con thoi Discovery. Sau 18 năm 9 tháng hoạt động, nó sẽ chấm dứt sứ mệnh vào ngày hôm nay 30.6.2009.
Ulysses là kết quả sự hợp tác giữa Cơ quan quản trị không gian Mỹ (NASA) và châu Âu (ESA). Nó có kích cỡ 3,2 x 3,3 x 2,1 mét, sử dụng hệ thống ăng-ten đĩa. Khi mới phóng đi nó có trọng lượng 366,7 kg với 33,5 kg chất hydrazin (một loại hóa chất rất độc). Gần 20 năm làm việc, Ulysses đã truyền tải về trái đất các thông tin giá trị về mặt trời như: gió, các vùng từ trường và các cực…
Trong số các kết quả nghiên cứu được, người ta nhận thấy một hiện tượng khá thú vị, đó là nhiệt độ tại cực nam của mặt trời là khoảng 80.000oF (tương đương với 44.000oC), thấp hơn 8% so với nhiệt độ tại cực bắc. Nhờ sự trợ giúp của máy quang phổ SWICS gắn trên tàu, các nhà khoa học tiến hành phân tích các thành phần tạo nên gió của mặt trời và khám phá ra rằng, chính việc tập trung hàm lượng ion oxi O6+ và O7+ một cách tương đối đã gián tiếp tạo nên nhiệt độ của khí, và vị trí 300 triệu km so với mặt trời được xem là khoảng cách an toàn đối với tàu Ulysses.
ESA và NSA nhận xét: “Lượng dữ liệu khổng lồ mà Ulysses thu được trong những năm qua đã góp phần giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mặt trời và những tác động của nó tới các vùng không gian xung quanh”. Năm ngoái, Ulysses đã bay qua một vùng không gian lạnh nên hoạt động hết sức khó khăn, đã có lúc người ta nghĩ rằng nó đã “chết”. Các nhà khoa học đã nỗ lực kích hoạt hệ thống làm ấm và cuối cùng nó đã hoạt động trở lại. Tính đến đầu năm 2009, tàu Ulysses đã đi được 8,6 tỉ km với tốc độ bình quân 56.000 km/giờ.
Theo Thanh Niên (Physorg và Wikipedia)