Bên cạnh hàng tá những mối lo khi mang thai như con có phát triển đúng chuẩn, mẹ có bị thiếu ối hay dư ối, vị trí nhau thai có bất thường không,… thì ngôi thai cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm đối với mẹ bầu. Thông thường khi thai nhi 32 tuần tuổi sẽ quay đầu, đầu bé nằm trong khung chậu của mẹ, đây là ngôi thai thuận (hay còn gọi là ngôi đầu) và nhiều khả năng mẹ sẽ có thể sinh tự nhiên. Tuy nhiên một số trường hợp không được thuận lợi như vậy, bé có thể xoay phần mông hoặc chân xuống dưới. Trường hợp này người ta gọi là sinh ngôi mông hoặc ngôi ngược.
Tỷ lệ sinh ngôi mông khá thấp, chỉ từ 1-3% trong các ca sinh nở. Tuy vậy đây cũng là trường hợp khá “hóc búa” đối với các y bác sỹ sản khoa. Đa phần các trường hợp sinh ngôi mông thường được chỉ định mổ lấy thai để tránh nguy hiểm cho cả mẹ và con. Dù tỷ lệ sinh ngôi mông khá thấp nhưng mẹ cũng nên biết một số sự thật khá thú vị về sinh ngôi mông sau đây.
1. Sinh ngôi mông có 3 dạng
Sinh ngôi mông xảy ra khi đầu thai nhi không nằm trong khung chậu của mẹ, thay vào đó là phần mông hoặc chân ở vị trí này. Vị trí sinh ngôi mông được xác định qua vị trí của mông, bàn chân và chân thai nhi. Biết được chính xác sinh ngôi mông ở dạng nào sẽ giúp các bác sỹ tìm ra phương án sinh nở an toàn cho mẹ và con. Có 3 dạng khác nhau của sinh ngôi mông như sau:
– Dạng 1: Một chân hoặc cả hai chân thai nhi nằm trong khung chậu của mẹ và sẽ sổ phần chân ra ngoài trước tiên.
– Dạng 2: Mông thai nhi nằm trong khung chậu của mẹ, ra ngoài trước tiên và hai chân giơ cao gần sát đầu.
– Dạng 3: Đây là sinh ngôi mông hoàn toàn khi toàn bộ mông thai nhi nằm trong khung chậu của mẹ, hai chân thai nhi gập sát mông.
2. Đã từng có thủ thuật giúp em bé quay đầu
Trước năm 1960, với những bà bầu có thai kỳ khỏe mạnh, không gặp vấn đề về nhau thai, nước ối, không bị chảy máu âm đạo, thai nhi có tim thai bình thường, có thể được thực hiện thủ thuật ngoại xoay thai để thai nhi quay đầu thuận lợi cho ca sinh thường. Đây là thủ thuật dùng tay để chuyển thai nhi từ ngôi không thuận sang ngôi thuận. Tuy nhiên, thủ thuật này dễ gây tai biến như nhau bong non hoặc suy thai, vì vậy ngày nay không được dùng phương pháp này trong thực hành sản khoa nữa.
3. Hầu hết thai nhi sẽ quay sang ngôi thuận
Vào tuần thứ 28 của thai kỳ, có tới 25% thai nhi ngôi mông. Tuy nhiên vào tuần thứ 35, tỷ lệ này giảm đáng kể chỉ còn 7%, và đến tuần thứ 37, tỷ lệ thai nhi ngôi mông rất thấp là 1-3%.
Nếu bạn mang thai dưới 37 tuần và được thông báo sinh ngôi mông, bạn cũng đừng quá lo lắng vì khả năng bé quay đầu sang ngôi thuận là rất cao.
4. Thai nhi ngôi mông có thể quay đầu trong quá trình chuyển dạ
Đây có lẽ là điều thú vị nhất về sinh ngôi mông. Khi mà thai nhi đang ở ngôi không thuận lợi chuyển sang ngôi thuận lợi ngay trong quá trình chuyển dạ. Tuy nhiên những trường hợp này cần phải được theo dõi chặt chẽ, nếu không sẽ gây nguy hiểm.
5. Ngôi mông có thể sinh thường hay không?
Các mẹ bầu có thai nhi ngôi mông thường được chỉ định mổ lấy thai. Đây có lẽ là biện pháp khả thi được áp dụng nhiều nhất do tỷ lệ thành công cao, biến chứng gần như không có. Tuy nhiên, hiện vẫn có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm ra giải pháp giúp sinh thường ngay cả khi thai nhi có ngôi mông.
Các vị trí sinh ngôi mông khác nhau tiềm ẩn những nguy cơ riêng. Nếu thai nhi sinh ngôi mông mà vị trí chân nằm trong khung chậu, mẹ dễ có nguy cơ bị sa dạ con nếu sinh thường hoặc chân em bé nằm trong ngả âm đạo trước khi cổ tử cung mở hết, dẫn đến nguy cơ em bé bị dị tật ở chân. Hai dạng sinh ngôi mông còn lại là toàn bộ mông em bé nằm trong khung chậu, hai chân giơ cao sát đầu hoặc hai chân đặt cạnh mông được coi là có nhiều khả năng sinh thường mà không gây biến chứng.
6. Mổ lấy thai là phương pháp an toàn đối với thai nhi ngôi mông
Hiện nay, phương pháp mổ lấy thai được coi là phương pháp an toàn và được áp dụng phổ biến nhất đối với những ca sinh ngôi mông. Vẫn biết sinh mổ không có lợi cho hệ hô hấp và đề kháng của bé, bản thân người mẹ mất thời gian hồi phục lâu hơn sinh thường nhưng so với các biến chứng nặng nề nếu ngôi mông mà sinh thường, phương pháp đẻ mổ vẫn được lựa chọn.
7. “Tập 1” thai nhi ngôi mông không có nghĩa là “tập 2” cũng vậy
May mắn là những mẹ bầu có thai nhi ngôi mông trong lần sinh nở đầu tiên không có nghĩa là những lần sinh tiếp theo cũng gặp vấn đề này. Theo thống kê, chỉ có chưa tới 10% mẹ bầu có thai nhi ngôi mông ở cả hai lần sinh nở.
Xem thêm
Cách tính tuổi thai
Cách tính ngày dự sinh
Cách tắm cho trẻ sơ sinh
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh
Việt Hà – Dịch từ BB
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.