Quãng thời gian đầu thai kì trôi qua thật nhanh mẹ nhỉ. Mới đó, những ngày nghén ngẩm, mệt mỏi đến vật vã tưởng chừng dài mãi, thế mà thoắt cái 1/3 chặng đường đầu tiên đã trôi qua. Bước sang quý thứ 2, mẹ sẽ đón nhận thêm nhiều niềm vui mới, trong đó ngắm nhìn con yêu lớn lên mỗi ngày thực sự là niềm hạnh phúc tuyệt vời.
Tuần trước, mẹ đã cảm thấy sức khỏe tốt hơn nhiều khi tình trạng nghén ngẩm bớt đi. Tuần này, mẹ sẽ cảm thấy năng lượng tràn đầy mỗi ngày và tha hồ “ngắm nhìn” thai nhi 15 tuần tuổi lớn lên như thế nào…
Thai nhi 15 tuần tuổi đã cảm nhận được ánh sáng
Dù mất đến vài tuần nữa con mới nghe được âm thanh và dần nhận ra giọng nói của mẹ, nhưng tuần này thì chắc chắn bé yêu đã cảm nhận được ánh sáng rồi. “Bằng chứng” là nếu mẹ chiếu đèn pin vào bụng, thai nhi sẽ biết di chuyển để “né” ánh sáng mặc dù mí mắt con vẫn khép chặt. Ngoài ra từ tuần này, vị giác của bé cũng bắt đầu hình thành mặc dù… vẫn chẳng có gì để bé “nếm” được cả. Các túi khí trong phổi đã đến lúc “nảy mầm” và thai nhi đang “bận rộn” di chuyển một lượng nước ối qua đường thở để kích thích sự phát triển của các túi khí đó.
Về kích thước, thai nhi 15 tuần tuổi nặng khoảng 70gr và đạt chiều dài trung bình 10cm tính từ đầu đến mông. Chân tay con mọc dài hơn, các khớp linh động hơn và cục cưng của mẹ có thể xoay hay co người lại.
Thai nhi 15 tuần nặng khoảng 70gr và đạt chiều dài trung bình 10cm. (Ảnh minh họa)
Khi thai nhi 15 tuần tuổi – cơ thể mẹ thay đổi ra sao?
– Cảm nhận cử động của bé: Đối với một số mẹ mang thai lần 2, lần 3 thì trong tuần này rất có thể sẽ cảm nhận được những cử động đầu tiên của bé (dù rất nhẹ và mẹ phải thật để ý mới thấy được). Những mẹ mang thai lần đầu thì cần thêm thời gian nhưng mẹ yên tâm, có thể chỉ trong tuần sau hoặc chậm hơn một chút, mẹ sẽ vỡ òa hạnh phúc khi thấy thai “máy” thôi. Điều này xảy ra sớm hay muộn còn phụ thuộc vào cân nặng của mẹ nữa, nên những mẹ “mảnh mai” một chút sẽ dễ dàng cảm nhận sự chuyển động của bé hơn.
– Tận hưởng cảm xúc tuyệt vời nhất trong đời: Hầu hết đến thời điểm này mẹ sẽ chưa thấy con “máy” đâu, nhưng hãy chờ đợi và tận hưởng mẹ nhé, vì cảm giác sẽ tuyệt vời vô cùng. Nó sẽ nhẹ tênh, mềm mại giống như một chú bướm chập chờn đôi cánh, một con cá vàng xòe vây bơi lội; hoặc xảy ra rất nhanh và diệu kì – giống như tiếng rơi nhẹ của một giọt sương trong vắt hay vụt qua như bong bóng xà phòng vừa vỡ tan – để lại vô số màu sắc và dư âm kì diệu.
Chân thực hơn, cử động đầu tiên của bé có thể tương tự như tiếng… sôi bụng khi đói hay tiếng bong bóng hơi bị vỡ. Dần dần, những cử động ấy sẽ mạnh hơn và mẹ có thể dễ dàng cảm nhận được.
– Bắt đầu tăng cân: Ở giai đoạn trước, các bà bầu tăng cân rất ít, thậm chí nhiều mẹ còn bị giảm cân do tình trạng nghén ngẩm nặng nề. Tuy nhiên, từ những tuần này trở đi, cân nặng sẽ dần tăng lên. Tuy nhiên mẹ nhớ kiểm soát cân nặng, đừng để lên quá nhanh hoặc không tăng chút nào nhé!
– Dễ bị nghẹt mũi, chảy máu cam: Lượng máu trong cơ thể tăng lên dẫn đến lưu lượng máu lưu thông tới màng nhầy mũi cũng tăng lên, các mạch máu ở trong mũi giãn ra khiến bà bầu dễ bị nghẹt mũi, chảy máu cam.
Thai nhi 15 tuần tuổi – mẹ nên làm gì?
Các xét nghiệm cần chọc ối để kiểm tra tình trạng của thai nhi thường được tiến hành trong khoảng tuần thứ 15 – 18, nên nếu được chỉ định, mẹ hãy chuẩn bị tinh thần và sức khỏe làm xét nghiệm trong thời gian này. Chọc dò ối xét nghiệm giúp phát hiện các bệnh do rối loạn gen/các nhiễm sắc thể dị thường,… nó hoàn toàn không đáng sợ nên mẹ không cần lo lắng.
Dù bé chưa nghe được, những mẹ và bố có thể trò chuyện, giao tiếp với con ngay từ bây giờ để tăng tình cảm yêu thương, gắn kết với con. Thực tế, rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh hoạt động này giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ tốt hơn khi lớn lên.
Sang đến thai kì thứ 2, tình trạng sức khỏe tốt hơn cộng với những tác động do thay đổi nội tiết, nhiều mẹ bầu sẽ cảm thấy ham muốn tình dục nhiều hơn. Hãy thoải mái với chuyện này vì nó hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới em bé. Nếu mẹ bầu/ông xã vẫn cảm thấy e ngại, hãy giải tỏa tâm lý đi vì chỉ cần không quan hệ quá nhiều, quá mạnh bạo hay sử dụng những tư thế bất lợi, em bé không chỉ vẫn “yên ổn” mà còn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho cả hai mẹ con.
Vậy là mẹ đã có cái nhìn rất cụ thể về sự phát triển của thai nhi 15 tuần tuổi. Hãy đón đọc tuần tiếp theo – tuần thứ 16 xem tuần tới bé cưng phát triển “đột phá” như thế nào nhé!
Nguyệt Nga
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.