Thai nhi 16 tuần tuổi – sự “bứt phá” đáng kinh ngạc

Thai nhi 16 tuần tuổi - sự
Mẹ đã sẵn sàng bước sang tuần mới đầy những biến đổi kì diệu cùng với bé chưa? Cùng xem thai nhi 16 tuần tuổi lớn lên như thế nào nhé!

Thai nhi 16 tuần tuổi tương đương một… quả bơ!

Dù bé mới chỉ nặng khoảng 100gr nhưng so với tuần trước con đã tăng tới 30gr rồi đấy, nên mẹ sẽ thấy trong thời gian tới bé lớn cực kì nhanh. Cơ thể con cũng dài thêm từng ngày một. 
Tuần này, cơ thể bé cưng của mẹ tương đương với một trái bơ nhỏ với chiều dài khoảng 11,5cm nhưng đầu con đã cứng cáp thêm, mắt và tai dần trở về đúng vị trí, móng chân bắt đầu mọc và… mẹ biết không, dù nhỏ xíu như vậy nhưng trái tim con đã có thể bơm khoảng 25lít máu/ngày đấy! Thật đáng kinh ngạc mẹ nhỉ? Còn có rất nhiều thay đổi xảy ra trong cơ thể bé, mẹ sẽ tiếp tục cảm nhận rõ ràng hơn trong thời gian tới. Giờ thì mẹ xem cơ thể mình sẽ thay đổi như thế nào nhé!

Thai nhi 16 tuần tuổi – cơ thể mẹ thay đổi ra sao?

– Vị trí dạ con: Tử cung của mẹ bầu thời gian này nằm giữa rốn và xương mu, được nâng đỡ bởi các dây chằng. Vì thai nhi chưa to lắm nên cảm giác nặng nề, mệt mỏi tạm thời chưa “ghé thăm”. Tuy nhiên càng về cuối thai nhi, mẹ sẽ càng vất vả hơn khi bé lớn dần.
Thai nhi 16 tuần tuổi - sự
– Hết ốm nghén: Sang đến tuần này, ngay cả mẹ  bầu nghén ngẩm nặng nhất cũng gần như tạm biệt hết các cơn buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi và tâm trạng “lên xuống thất thường”. Do đó mẹ tranh thủ khoảng thời gian dễ chịu nhất trong thai kì này để nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất và nếu muốn có thể đi sắm sửa, du lịch hay làm những điều mình thích, vì sắp tới những việc này sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
– Bắt đầu tăng cân: Bước sang quý thứ 2 của thai kì, các mẹ bầu có chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức trung bình được khuyên nên tăng 5 – 6kg. Những mẹ bị thiếu cân có thể tăng nhiều hơn và một số mẹ thừa cân trước đó thì cần hạn chế cân nặng, không nên tăng quá nhiều so với mức cho phép để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi. Tốt nhất, mẹ nên bổ sung đa dạng dinh dưỡng và chỉ nên cung cấp khoảng 300calo/ngày để kiểm soát cân nặng. Tùy theo mức độ hoạt động mà lượng calo này có thể tăng lên/giảm đi cho phù hợp.
– Sắp cảm nhận được cử động đầu tiên của thai nhi: Sang đến tuần này, hẳn mẹ nào cũng mong ngóng lắm và thường thắc mắc rằng khi nào mới thấy con “máy”. Vậy thì tin vui đây, chỉ trong tuần tới thôi, hầu hết mẹ bầu sẽ cảm nhận được sự chuyển động của bé. Một số mẹ muộn hơn (nhất là những mẹ mang thai lần đầu) sẽ thấy con máy vào một vài tuần sau đó nên không cần phải sốt ruột nhé!
Thai nhi 16 tuần tuổi - sự
Mẹ nên làm gì tuần này?
Việc quan trọng nhất dành cho các bà bầu khi thai nhi 16 tuần tuổi đó là kiểm soát và có kế hoạch tăng cân thật cụ thể. Điều này cực kì quan trọng vì cân nặng tăng quá nhiều/quá ít đều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của em bé; do giai đoạn này con lớn rất nhanh và có nhiều thay đổi. 
Để giữ mức cân nặng chuẩn, mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng khoa học như sau:
– Ăn bữa sáng đầy đủ chất đạm, chất xơ, protein, vitamin, cacbonhydrat,…
– Bữa chính nên ăn nhiều rau, thịt nạc, ngũ cốc nguyên cám và sữa ít béo; hạn chế tối đa đường và các món ăn chế biến sẵn nhiều dầu mỡ, nhiều muối.
– Bổ sung thêm sữa chua, trái cây tươi, hạt khô vào bữa phụ thay vì ăn bim bim (snack), bánh ngọt hay đồ chiên rán,…
– Đừng quên uống thật nhiều nước lọc.
– Tập luyện, vận động mỗi ngày để hỗ trợ quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi hơn, cơ thể khỏe mạnh từ đó nâng cao sức đề kháng.
Đối với các mẹ bầu chán ăn, khó tăng cân, hãy khoan vội lo lắng. Mẹ chỉ cần giữ tâm lý thoải mái, ăn nhiều bữa trong ngày với các thực phẩm bổ dưỡng, đừng quên uống thêm sữa để em bé mau lớn nhé!
Thai nhi 16 tuần tuổi - sự 'bứt phá' đáng kinh ngạc
Thai nhi 16 tuần tuổi đã có kích cỡ tương đương với một trái bơ nhỏ với chiều dài khoảng 11,5cm cùng sự phát triển “đột phá”. (Ảnh minh họa)
Ngược lại, với những mẹ đang thừa cân, hãy hạn chế đường và tinh bột trong thực đơn, ăn thêm nhiều rau xanh, trái cây, sữa chua,… Tuy nhiên tuyệt đối không ăn kiêng quá mức vì nó khiến thai nhi không đủ dinh dưỡng để phát triển. Trường hợp mẹ muốn ăn kiêng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để đưa ra thực đơn hợp lý, đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và con.
Ngoài việc lưu ý chế độ ăn uống, các bà bầu cũng có thể thoải mái đặt ra các kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi, du lịch và “tụ tập” bạn bè vào thời gian này – khi bụng bầu chưa quá lớn và tâm trạng, sức khỏe đang ở thời điểm tốt nhất. Tuy nhiên, nếu có kế hoạch đi du lịch, hãy chọn những địa điểm không quá xa, chọn những khu nghỉ dưỡng thay vì du lịch mạo hiểm, leo núi,… vì chúng không phù hợp với phụ nữ mang thai.
Cuối cùng, hãy tận hưởng những ngày thoải mái nhất thai kì này và chờ đợi những điều mới mẻ sắp đến, đó là cử động đầu tiên của bé, là khi bé bắt đầu nghe được giọng mẹ, là khi con “nhảy choi choi” trong bụng và rất nhiều điều thú vị khác. Nếu muốn, mẹ có thể ghi lại những cảm xúc tuyệt vời ấy, hoặc viết vài dòng nào đó cho bé yêu trước khi ra đời. 
Ngoài ra, “chuyện ấy” cũng là điều mẹ nên dành cho bố mẹ lúc này vì đây là thời gian phù hợp nhất trong thai kì. 
Mẹ đã theo dõi thai nhi 16 tuần tuổi phát triển như thế nào rồi, hãy nhớ theo dõi tuần tiếp theo – tuần thứ 17 trên ChaMeCuaCon.com mẹ nhé!
Nguyệt Nga
Xem thêm:
Clip: Hành trình kì diệu của bé trong bụng mẹ từ tuần 15 đến tuần 20

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.