Thai nhi 18 tuần tuổi phát triển ra sao?
Trong tuần 18 này, em bé đã dài khoảng 17 cm và nặng khoảng 200g, cỡ 1 quả ớt chuông. Bé cũng liên tục co duỗi chân tay và mẹ sẽ bắt đầu nhận thấy những cử động của con rõ ràng hơn trong tuần tới. Lấp ló dưới làn da mỏng manh của bé là những mạch máu đỏ tươi. Đôi tai lúc này đã nằm đúng vị trí của mình. Một lớp chất béo bảo vệ đang bắt đầu hình thành xung quanh các dây thần kinh. Quá trình này cũng sẽ tiếp tục phát triển trong 1 năm sau khi bé chào đời.
Nếu thai nhi là một bé gái thì tử cung và ống dẫn trứng được hình thành ở đúng vị trí. Nếu đó là một chàng hoàng tử, bộ phận sinh dục đã có thể nhìn thấy nhưng đôi khi, tư thế nằm của bé gây khó khăn trong phát hiện giới tính khi siêu âm.
Thai nhi 18 tuần tuổi: Mẹ liệu có thay đổi?
Mẹ chắc hẳn sẽ cảm thấy đói và thèm ăn trong giai đoạn này. Thay vì ăn những đồ ăn nhanh như khoai tây chiên, kẹo hoặc các đồ ngọt khác, mẹ nên ăn thêm nhiều bữa trong ngày với những thức ăn giàu dinh dưỡng.
Hệ tim mạch của mẹ cũng đang trải qua những thay đổi lớn. Trong quý 2 này huyết áp của mẹ có thể thấp hơn bình thường. Chính vì thế, mẹ không nên thay đổi tư thế nằm hoặc ngồi quá đột ngột vì như thế mẹ sẽ cảm thấy chóng mặt.
Từ bây giờ, mẹ cũng nên tập cho mình thói quen nằm nghiêng sang một bên vì khi nằm ngửa, tử cung có thể đè nén lên các tĩnh mạch lớn, ảnh hưởng đến việc lưu thông máu. Hãy thử đặt một chiếc gối dưới lưng hoặc hông hay kê chân cao lên một chút để cảm thấy dễ chịu hơn. Mẹ cũng nên chọn cho mình những bộ quần aó rộng rãi thoải mái.
Một cuộc hẹn khám thai là cực kì cần thiết nếu mẹ vẫn chưa siêu âm giữa thai kì. Bác sĩ có thể giúp mẹ kiểm tra sự tăng trưởng của bé, dò các dị tật bẩm sinh, kiểm tra nhau thai, dây rốn và dự tính ngày con chào đời. Trong lúc siêu âm, mẹ có thể thấy con xoay chuyển hay mút đầu ngón tay của mình. Vì thế mẹ nên đi cùng với bố để có những kỉ niệm đẹp hay những bức ảnh tuyệt vời nhất nhé.
Mẹ có nên thay đổi thói quen tập luyện?
Nếu mẹ vẫn khỏe mạnh và thai nhi 18 tuần tuổi không có bất kì dấu hiệu gì bất thường, mẹ có thể tiếp tục tập luyện như bình thường, đều đặn. Tránh chạy nhảy, chuyển động mạnh, thay đổi vị trí đột ngột hay nằm ngửa….
Nếu mẹ khá lười vận động và đang muốn bắt đầu lại, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe mẹ nhé. Sau đó, mẹ có thể bắt đầu với một vài bài tập đơn giản, nhẹ nhàng trong thời gian ngắn và dần dần hoạt động thường xuyên và lâu hơn. Đi bộ là gợi ý tuyệt vời nhất cho những bà mẹ bắt đầu tập luyện. Một số bà mẹ hứng thú với bơi lội và một số khác thích tham gia lớp yoga.