Thai nhi 20 tuần tuổi – những mốc thay đổi đáng nhớ

0
109
Ở tuần thứ 19, bé yêu của mẹ đã nặng khoảng 240gr với chiều dài trung bình tính từ đầu đến mông là 15cm. Các giác quan phát triển và bộ não bắt đầu “phân vùng” điều khiển các chức năng của cơ thể. Một “bước tiến” đáng kể là thai nhi bắt đầu cảm nhận được giọng nói của mẹ, nên từ tuần 19 bố mẹ có thể trò chuyện hay hát cho con nghe. Và giờ thì mẹ tiếp tục theo dõi xem thai nhi 20 tuần tuổi phát triển như thế nào nhé!

 

Thai nhi 20 tuần tuổi – bé cưng đã lớn như thế nào?

Mới qua 1 tuần nhưng cục cưng của mẹ đã lớn lên trông thấy. Ở tuần thứ 20, cân nặng của con trung bình là 300gr và dài thêm 1,5 – 2cm nữa, tức là khoảng 16,5 – 17cm (tính từ đầu đến mông). Nếu đo từ đầu đến chân thì chỉ số chiều dài của con tuần này đã khoảng 25,5 – 26cm rồi.

Vì lớn nhanh như vậy nên bé cũng hấp thu nhiều dưỡng chất từ mẹ hơn; hệ thống tiêu hóa phát triển nhanh chóng, thậm chí bé đã bắt đầu thải phân su – chất dính màu đen/xanh đậm được bé thải vào nước ối một phần và tiếp tục tích tụ trong ruột của con rồi thải ra ngoài cơ thể sau khi chào đời.

Ở tuần thứ 20, cân nặng của con trung bình là 300gr và dài thêm 1,5 – 2cm nữa, tức là khoảng 16,5 – 17cm. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, hoạt động nuốt của con dần thuần thục hơn. Cơ thể bé cưng đang tập trung hoàn thiện các chức năng nên con cần rất nhiều năng lượng, vì vậy mẹ nhớ ăn uống thật đầy đủ dinh dưỡng trong thời gian này nhé!

Thai nhi 20 tuần tuổi – cơ thể mẹ thay đổi ra sao?

Bước sang tuần này, mẹ đã trải qua được nửa chặng đường thai nghén rồi đấy, thật nhanh quá phải không?! So với khi bắt đầu mang thai, lúc này cơ thể mẹ đã tăng khoảng 4 – 5kg và giai đoạn sau cân nặng sẽ còn tăng nhanh hơn nữa (khoảng 0,5kg mỗi tuần). Mẹ cũng nhớ để ý đến chế độ dinh dưỡng, sao cho không lên cân quá nhiều/quá ít nhé vì điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sự lớn lên của bé.

Từ khi thai nhi 20 tuần tuổi, cơ thể mẹ cũng đối mặt với nhiều thay đổi hơn khi bước sang nửa sau của thai kì, trong đó có rất nhiều vấn đề liên quan đến giấc ngủ:

– Khó ngủ, ngủ không ngon: Bụng bầu dần to lên khiến tư thế nằm không mấy thoải mái, cộng thêm những thay đổi hormone thai kì khiến giấc ngủ của mẹ bầu thường xuyên bị ngắt quãng. Từ bây giờ, những giấc ngủ sâu sẽ ít dần đi, thay vào đó là những lần tỉnh giấc vào ban đêm mà rất khó để ngủ lại.

– Ngáy rất to: Nồng độ hormone estrogen tăng lên gây ra rất nhiều “phiền toái” cho bà bầu, trong đó ngáy ngủ cũng không ngoại lệ. Nó làm cho màng nhầy lót đường thở bị sưng và gây ra âm thanh rất to khi hô hấp. Đó là lý do vì sao hầu hết mẹ bầu trước đó chưa từng ngáy thì giờ đây bỗng “kéo gỗ” ầm ầm khi ngủ. Cách duy nhất để “chống đỡ” là mẹ kê cao gối một chút và nằm nghiêng về một bên. Còn lại hãy đợi đến khi sinh em bé xong thì mới “yên ổn” được.

 

Hãy nhờ đến sự “trợ giúp” của những chiếc gối dành riêng cho bà bầu để có giấc ngủ ngon hơn. (Ảnh minh họa)

– Ợ nóng: Một tác nhân nữa “phá đám” giấc ngủ của mẹ là tình trạng ợ nóng, khó tiêu; chúng làm cho bà bầu cảm thấy khó chịu vô cùng khi vừa nằm xuống và bắt đầu giấc ngủ. Do đó, mẹ nên tránh ăn đồ khó tiêu, đồ chua/lên men,… vào buổi tối và hãy đi ngủ sau khi ăn 2 – 3 giờ để cơ thể kịp tiêu hóa.

– Chuột rút: Tệ hại nhất là khi đang ngủ mà bị chuột rút, mẹ sẽ đau đến phát khóc rồi giấc ngủ tiếp theo sẽ chập chờn không yên. Cách cải thiện là hãy ngâm chân nước ấm trước khi đi ngủ, mát-xa nhẹ nhàng hoặc đi bộ vài phút.

– Cơ thể đau mỏi, khó chịu hơn: Hẳn nhiên là khi mang một em bé trong bụng, mẹ sẽ không thể thoải mái nằm các tư thế như trước được. Chiếc bụng bầu to khiến mẹ khó khăn để tìm tư thế phù hợp. Và cách tốt nhất là hãy tìm sự trợ giúp từ những chiếc gối mềm, gối dành riêng cho bà bầu để cảm thấy dễ thở hơn.
– Nóng hơn bình thường: Khi mang thai, thân nhiệt của mẹ cao hơn nên ban đêm ngủ mồ hôi thoát nhiều. Mẹ cần giữ cho phòng ngủ thoáng, nhiệt độ mát mẻ và mặc quần áo rộng rãi, chất liệu thấm hút mồ hôi tốt để giấc ngủ ngon hơn.
Thai nhi 20 tuần tuổi - những mốc thay đổi đáng nhớ
Tuần này, mẹ đừng quên chú ý đến chế độ dinh dưỡng để tăng cân vừa đủ. (Ảnh minh họa)
Những việc mẹ nên làm tuần này:
– Bổ sung dinh dưỡng: Thai nhi đang phát triển nhanh mỗi ngày nên mẹ cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho con, đặc biệt là sắt. Hãy đảm bảo cung cấp đủ lượng sắt cần thiết từ các thực phẩm giàu sắt như thịt nạc, cây họ đậu, trái cây khô, rau xanh đậm và ngũ cốc,… Nếu vẫn thiếu sắt, mẹ cần bổ sung viên uống theo chỉ định của bác sĩ để đáp ứng đủ nhu cầu. Cơ thể lúc này cần rất nhiều sắt do lượng máu tăng lên khi thai nghén để cung cấp cho thai nhi và nhau thai. 
– Đăng kí lớp học tiền sản: Mẹ sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết để chăm sóc thai kì, cũng như cách xử lý những khó khăn trong giai đoạn tiếp theo. Ở lớp học tiền sản mẹ bầu cũng được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các mẹ bầu khác nên đừng bỏ qua lớp học này nhé!
Mẹ đã “song hành” cùng con yêu khi thai nhi 20 tuần tuổi, và nhớ đừng quên theo dõi tiếp trong bài thai nhi 21 tuần tuổi nhé!
Nguyệt Nga

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.