Thai nhi 23 tuần tuổi, em bé đã có kích cỡ tương đương 1 trái xoài cỡ bự với chỉ số 28cm chiều dài và nặng chừng 450gr. Bé đã phát triển các giác quan gần như hoàn thiện và có thể cảm nhận được ánh sáng, âm thanh,… Hãy xem tuần thứ 24, em bé phát triển như thế nào nhé!
Sự phát triển của thai nhi 24 tuần tuổi
Thai nhi 24 tuần tuổi vẫn đang phát triển đều đặn, bé dài khoảng 30cm và nặng chừng 600gr, cỡ một bắp ngô lớn. Cơ thể bé đã phát triển rất cân đối và sẽ bắt đầu đầy đặn lên. Não bộ và các gai vị giác phát triển nhanh chóng. Đồng thời, phổi bé đang hình thành các nhánh hô hấp, các tế bào đã bắt đầu sản xuất surfactant giúp phổi hít đầy không khí ngay khi bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Thai nhi 24 tuần tuổi vẫn có làn da mỏng và trong suốt.
Cơ thể mẹ sẽ thay đổi ra sao?
Trong những tuần vừa qua, phần chóp tử cung của mẹ đã phát triển vượt cao hơn rốn (cỡ kích thước của một quả bóng). Hầu hết các bà mẹ đều thực hiện xét nghiệm đường huyết GCT trong giai đoạn này (từ tuần này đến tuần 28). Xét nghiệm này nhằm kiểm tra tiểu đường thai kì- tình trạng lượng đường trong máu tăng cao khi mang thai.
Bệnh tiểu đường nếu không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ khó sinh hoặc mẹ phải mổ vì thai nhi quá cỡ. Nó cũng làm tăng nguy cơ các biến chứng ở trẻ em như hạ đường huyết ngay sau sinh. Kết quả xét nghiệm dương tính chưa có nghĩa là bạn bị tiểu đường thai kì mà bạn sẽ cần làm thêm xét nghiệm dung nạp glucose CTT sau đó để biết chắc chắn.
Thai nhi 24 tuần tuổi, mẹ cần lưu ý những gì?
Hiện tượng sinh non
Liệu mẹ có biết, hơn 12% trẻ sơ sinh tại Hoa Kỳ là sinh non (trước 37 tuần). Khoảng ¼ trong số đó là sinh non có chủ ý. Đội ngũ y bác sĩ quyết định gây chuyển dạ sớm vì những tình trạng y khoa nghiêm trọng như tiền sản giật nặng hay bé ngừng phát triển. Phần còn lại là những ca sinh non tự phát. Mẹ sẽ có thể sinh non nếu mẹ chuyển dạ, vỡ nước ối hay cổ tử cung mở.
Một vài nguyên nhân gây sinh non có thể kể đến như 1 số bệnh nhiễm trùng sinh dục, vấn đề với nhau thai hoặc suy cổ tử cung và đôi khi bác sĩ cũng không rõ nguyên nhân của những ca sinh non đó. Vì vậy điều cần thiết mẹ có thể làm là tìm hiểu về các dấu hiệu chuyển dạ sớm.
Hãy gọi cho bác sĩ ngay khi mẹ có những dấu hiệu sau:
– Tăng tiết dịch âm đạo.
– Sự thay đổi trong các chất thải: nếu nó trở nên lỏng, nhầy, hoặc có máu (thậm chí chỉ có những vệt hồng).
– Chảy máu âm đạo hoặc xuất hiện đốm máu trên quần lót.
– Đau bụng, nhiều hơn 4 cơn co trong 1 giờ (thậm chí những cơn co đó không đem lại cảm giác đau đớn).
– Sự gia tăng áp lực trong vùng xương chậu (cảm giác như bé con được đẩy xuống).
– Đau thắt lưng, đặc biệt nếu mẹ chưa từng bị đau thắt lưng trước đó.
Bác sĩ sẽ giúp mẹ theo dõi các cơn co thắt, xem nhịp tim của bé, kiểm tra nước tiểu, kiểm tra màng ối và các khả năng nhiễm trùng khác để giải quyết vấn đề tốt nhất.
Sinh sớm ảnh hưởng như thế nào tới bé?
Trẻ con sinh non từ tuần 34 đến tuần 37 thường rất bình thường mặc dù khả năng mắc bệnh hay chậm phát triển cao hơn những đứa trẻ khác. Những em bé sinh non trong khoảng 24 tuần tuổi thậm chí sớm hơn vẫn có thể sống bình thường nhờ những tiến bộ khoa học trong chăm sóc trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, sự chăm sóc đặc biệt này cần được tiến hành lâu dài và khoa học.
Mẹ nên làm gì khi thai nhi 24 tuần tuổi
Hãy bàn bạc với ông xã về cách trang hoàng lại ngôi nhà để chào đón bé con ra đời. Kiểm tra các thiết bị an toàn trong nhà, sửa chữa hoặc bỏ bất kì nội thất nào bị vỡ…. Mẹ cũng nên xem lại giỏ đồ sơ sinh của bé xem có thiếu món nào không để kịp mua bổ sung, đồng thời đừng quên những bộ đồ sau sinh dành cho mẹ bởi ngay sau khi em bé chào đời, mẹ sẽ có rất ít cơ hội để đi mua sắm.