Trong tuần 25, bé đã dài khoảng 34cm và nặng chừng 680gr. Bé không còn gầy nữa mà cơ thể đã bắt đầu tích mỡ khiến làn da “nhăn nheo” dần căng lên, lông và tóc dài thêm. Hãy tiếp tục xem thai nhi tuần 26 phát triển như thế nào nhé!
Sự phát triển của thai nhi 26 tuần tuổi
Hệ thống các dây thần kinh trong tai bé đã trở nên nhạy cảm hơn. Bé yêu của mẹ tuần này đã có thể nghe được cả giọng nói của bố và mẹ khi bố mẹ trò chuyện với nhau đấy. Con cũng đủ khả năng để có thể hít vào và thải ra một lượng nhỏ nước ối, hỗ trợ cho quá trình phát triển của phổi.
Hơn thế nữa, bé con của mẹ đã bắt đầu “béo” lên nhanh chóng do lớp mỡ tích tụ dưới da ngày một dày lên. Con đã nặng khoảng 750gr và dài tầm 35cm, cỡ một quả cam to. Nếu mẹ đang mang trong mình một chàng hoàng tử thì cơ quan sinh dục của bé đang phát triển nhanh chóng. Tinh hoàn di chuyển vào bìu và mất khoảng 2 đến 3 tháng để quá trình này hoàn thiện.
Những thay đổi trên cơ thể mẹ
Mẹ chắc hẳn đang rất bận rộn để tìm kiếm những lớp học tiền sản và chuẩn bị phòng ngủ để đón con chào đời. Nhưng dù có bận rộn đến mấy, mẹ cũng nên ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi đều đặn để đảm bảo sức khỏe nhé!
Trong suốt thời gian này, huyết áp của mẹ có thể tăng lên nhưng thực tế thì mức huyết áp này vẫn thấp hơn huyết áp mẹ đo được trước khi mang bầu. (Thông thường thì huyết áp sẽ bắt đầu giảm ở cuối quý một và thấp nhất vào khoảng tuần thứ 22 đến 26).
Tiền sản giật là một hội chứng nghiêm trọng khi huyết áp tăng và nồng độ protein trong nước tiểu cao (thường xảy ra trong những tuần cuối thai kì). Nhưng mẹ cũng nên đề cao cảnh giác với triệu chứng của nó ngay từ bây giờ. Đừng ngần ngại gọi cho bác sĩ nếu mẹ cảm thấy mặt mình như đang phù lên hay mắt mẹ đột nhiên sưng húp, tay và chân hoặc thậm chí cả mắt cá chân cũng phù lên trông thấy và mẹ tăng cân một cách chóng mặt (4 đến 5kg một tuần). Với những trường hợp nặng hơn thì mẹ có thể thấy các triệu chứng khác như nhức đầu kéo dài, thay đổi thị lực như nhìn mờ hoặc nhìn một hóa hai, nhìn thấy các đốm sáng, nhạy cảm với ánh sáng hoặc mất thị lực tạm thời, đau hoặc sưng dữ dội ở vùng bụng trên, nôn mửa,…
Sự phát triển của thai nhi 26 tuần tuổi trong bụng mẹ
Do tử cung đang trong giai đoạn phát triển rộng ra khiến trọng lực của cơ thể mẹ thay đổi và cơ bụng trở nên yếu đi, tạo áp lực cho dây thần kinh. Thêm vào đó, những thay đổi của nội tiết tố trong cơ thể khiến các khớp và dây chằng nới lỏng ra. Tất cả những thay đổi này khiến mẹ cảm thấy lưng dưới của mình đau nhức kinh khủng. Hơn nữa, việc mẹ tăng cân cũng có nghĩa là cơ bắp và các khớp nối trong cơ thể mẹ phải làm việc nhiều hơn khiến mẹ cảm giác khó chịu, mệt mỏi vào cuối ngày. Đi bộ, đứng hay ngồi trong một khoảng thời gian dài càng khiến lưng mẹ thêm đau đớn, khó chịu.
Mẹ nên làm gì để giảm bớt tình trạng khó chịu ấy? Hãy ngâm mình trong một bồn nước tắm thật ấm và hãy cố giữ mình trong những tư thế thoải mái nhất trong suốt một ngày dài. Tránh những công việc đòi hỏi mẹ phải dùng nhiều sức lực. Thường xuyên thay đổi tư thế khi đứng hoặc ngồi quá lâu. Nên nằm nghiêng sang một bên khi ngủ và kê chân của mẹ lên gối để tìm lại cảm giác thoải mái mẹ nhé!
Thai nhi 26 tuần tuổi, mẹ nên làm gì?
Cũng chẳng còn bao lâu nữa là đến ngày sinh nở, vì thế một mặt mẹ đừng quên lịch khám thai, các xét nghiệm đảm bảo sức khỏe cho mình và bé yêu, mặt khác mẹ cũng ăn uống, chăm chút cơ thể cẩn thận và bắt đầu “nghiên cứu” về bệnh viện sẽ sinh con. Hãy tìm hiểu về các dịch vụ, chi phí, bác sĩ trực tiếp đỡ đẻ, đặt ra các tình huống có thể gặp phải,… để có những sự chuẩn bị tốt nhất.
Đặc biệt, mẹ đừng quên vai trò của ông xã trong thời gian này nhé, hãy nói chuyện với nhau về con nhiều hơn, thống nhất cái tên đã đặt xem thực sự phù hợp chưa, cùng nhau sắp xếp và kiểm tra các món đồ sơ sinh. Nếu mẹ mệt, hãy nhờ bố xoa bóp vai, lưng giúp mình để cảm thấy dễ chịu hơn.