Mới vừa tuần trước, bé cưng dài khoảng 46cm và nặng khoảng 2,4kg thì sang tuần này – thai nhi 36 tuần tuổi đã… 2,7kg rồi, nhanh quá phải không mẹ?
Sự phát triển của thai nhi 36 tuần tuổi
Bước sang tuần thứ 36, bé đang tăng cân đều đặn khoảng gần 30gr mỗi ngày. Giờ đây, bé đã nặng khoảng 2,7kg và dài hơn 47cm – chiếm gần hết không gian trong bụng mẹ. Bé đang mất dần đi lớp lông tơ và lớp sáp bao phủ làn da của bé trong suốt chín tháng nằm trong bọc ối. Bé nuốt hầu hết các dung dịch này cùng các chất bài tiết khác và thải ra “phân su”.
Vào cuối tuần này, bé đã được coi là đủ tháng. Các bé sinh trước tuần thai thứ 36 được coi là sinh non, các bé sinh sau 41 tuần được gọi là sinh muộn. Hầu hết các bé tuần này đã quay ngược đầu lại để chuẩn bị chào đời. Nếu bé vẫn “cứng đầu”, bác sĩ có thể khuyên mẹ nên thực hiện “xoay ngôi thai từ bên ngoài” để bé về đúng vị trí của mình.
Thai nhi 36 tuần tuổi – Cơ thể mẹ thay đổi ra sao?
Bé đã khá to và chiếm hầu hết không gian trong bụng mẹ khiến mẹ gặp khó khăn trong việc ăn uống thường ngày. Vì thế, mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn và có nhiều bữa ăn phụ trong ngày để đảm bảo cơ thể vẫn hấp thụ những chất dinh dưỡng cần thiết.
Bên cạnh đó, mẹ cũng thấy chứng ợ nóng mất dần đi và dễ thở hơn do bé đã lọt xuống vùng chậu. Quá trình này gọi là “sa bụng” thường diễn ra vài tuần trước khi sinh nếu mẹ đang mang thai lần đầu. (Còn đối với những bà mẹ mang thai lần 2 hoặc 3 thì quá trình này sẽ không xảy ra trước khi chuyển dạ). Khi bé đã lọt xuống thì áp lực ở vùng bụng dưới của mẹ tăng lên rất nhiều khiến việc đi lại thêm nặng nề và phải đi tiểu thường xuyên hơn. Nếu bé ở vị trí thấp hơn một chút nữa, mẹ có thể cảm nhận thấy nhiều áp lực ở âm đạo và khá khó chịu, cảm giác như đang mang một quả bóng giữa hai chân của mình vậy.
Mẹ cũng thấy các cơn co thắt kéo đến thường xuyên hơn khi thai nhi 36 tuần tuổi. Hãy thảo luận với bác sĩ về những biểu hiện của mình. Thông thường, khi mẹ mang thai đủ tháng, thai nhi không gặp biến chứng gì và ối vẫn chưa vỡ thì mẹ có lẽ sẽ phải đợi đến khi những cơn co thắt kéo dài đến một phút và năm phút lại xuất hiện 1 lần. Dĩ nhiên là mẹ cần gọi ngay cho bác sĩ nếu mẹ thấy những cú đạp bụng của con có dấu hiệu giảm đi hoặc chảy máu âm đạo, bị sốt, nhức đầu kéo dài, đau bụng liên tục và thay đổi thị lực….
Ngay cả khi mẹ đang rất bình thường và không hề xuất hiện biến chứng thì mẹ cũng không nên đi máy bay hoặc đi du lịch xa nhà vì mẹ có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào. Trên thực tế thì một số hãng hàng không sẽ không để những phụ nữ cận sinh lên máy bay.
Các giai đoạn chuyển dạ
Với những bà mẹ bầu bí lần đầu thì từ lúc trở dạ đến khi sinh kéo dài khoảng 15 tiếng (nếu mẹ mang thai lần 2 thì giai đoạn này mất khoảng 8 tiếng). Quá trình này được chia thành 3 giai đoạn như sau:
Giai đoạn đầu: Giai đoạn đầu tiên này bắt đầu khi mẹ cảm thấy những cơn co thắt. Những cơn co thắt này dần làm dãn cổ tử cung và kết thúc khi cổ tử cung dãn nở hết cỡ.
Rất khó có thể xác định chính xác thời gian chuyển dạ sớm của mẹ vì các cơn co thắt chuyển dạ sớm đôi khi rất khó phân biệt với những cú đạp của con mà mẹ cảm thấy trước đó.
Nếu không có bất kì biến chứng gì thì mẹ nên ở nhà trong giai đoạn đầu trở dạ này.
Giai đoạn đầu của sự trở dạ sớm kết thúc khi cổ tử cung của mẹ dãn ra khoảng 4cm và bắt đầu đến giai đoạn khó khăn hơn, các cơn co thắt dường như đến nhanh hơn, đau hơn và dài hơn rất nhiều.
Ở thời điểm cuối của giai đoạn 1, cổ tử cung đã mở khoảng từ 8 đến 10cm và các cơn co thắt dường như chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế. Mỗi cơn đau có thể đến 3 phút một lần và mỗi lần kéo dài hơn 1 phút.
Giai đoạn 2: Khi cổ tử cung đã dãn ra hoàn toàn, bé đã lọt xuống mức thấp nhất và chuẩn bị chào đời. Đầu của con tiếp tục được đẩy ra với những lần “rặn” của mẹ. Sau khi đầu bé đã ra khỏi tử cung, các y bác sĩ sẽ hút mũi và miệng của bé. Sau đó, đầu bé sẽ quay sang một bên cùng chiều với vai (vẫn xoay bên trong xương chậu) để chuẩn bị cho phần còn lại của cơ thể được kéo ra. Với lần co thắt và rặn tiếp đó, mẹ sẽ được hướng dẫn để đẩy phần vai của con ra ngoài. Cùng lúc đó, phần cơ thể còn lại sẽ tự động được kéo ra.
Cảm xúc của mẹ lúc này dường như rất hỗn độn: hưng phấn có, sợ hãi có, tự hào có, hoài nghi có, phấn khích có và đặc biệt sự căng thẳng đã qua đi vì con của mẹ đã chào đời.
Giai đoạn 3: Ngay sau khi sinh con, các cơn co thắt dường như vẫn còn nhưng với mức độ rất nhẹ nhàng để đẩy nhau thai ra ngoài.
Mời các bạn đón xem video sự phát triển của thai nhi 36 tuần tuổi ở dưới đây: