Các nhà khoa học đang lên kế hoạch thám hiểm Zealandia, lục địa thứ tám ẩn dưới Thái Bình Dương có diện tích hơn 5 triệu km2.
Chuyến thám hiểm khoa học mới sẽ tập trung khoan sâu vào lớp vỏ hoặc tầng trên cùng của lục địa Zealandia có kích thước bằng khoảng 1/2 Australia, Live Science hôm qua đưa tin. Các nhà nghiên cứu sẽ tìm những bằng chứng về tác động của quá trình hút chìm giữa các mảng kiến tạo đến sự hình thành của chuỗi núi lửa và lục địa Zealandia cách đây 50 triệu năm. Chuyến đi cũng giúp tìm hiểu cách sự kiện biến động vỏ Trái Đất làm thay đổi dòng hải lưu và khí hậu.
Bản đồ lục địa Zealandia. (Ảnh: IODP).
Chuyến thám hiểm số 371 do Quỹ Khoa học Quốc gia và Chương trình khám phá đại dương quốc tế cấp kinh phí, quy tụ hơn 30 nhà khoa học tham gia hành trình kéo dài hai tháng trên tàu khoan lớn JOIDES Resolution, khởi hành hôm 27/7.
“Chúng tôi đang xem xét nơi thích hợp nhất trên thế giới để tìm hiểu sự hút chìm mảng lục địa bắt đầu như thế nào. Chuyến đi này sẽ trả lời nhiều câu hỏi về Zealandia”, Gerald Dickens, nhà khoa học đồng chỉ đạo chuyến thám hiểm kiêm giáo sư khoa học Trái Đất, môi trường và hành tinh ở Đại học Rice, Texas, Mỹ, cho biết.
Nhóm nghiên cứu sẽ ghé thăm 6 địa điểm trên biển Tasman nằm giữa Australia và New Zealand để khoan lõi trầm tích và đất đá từ vỏ Trái Đất. Mỗi lõi sẽ nằm nằm ở độ sâu 300 – 800m, có nghĩa các nhà khoa học có thể tìm hiểu ngược thời gian hàng chục triệu năm.
“Nếu bạn trở về khoảng 100 triệu năm trước, Nam Cực, Australia và Zealandia đều nằm trên cùng một lục địa. Khoảng 85 triệu năm trước, Zealandia tách ra và sau một thời gian, đáy biển giữa lục địa này và Australia mở rộng về cả hai phía của sống núi giữa đại dương ngăn cách cả hai”, Dickens nói.
Mô phỏng lục địa Zealandia. (Video: Bảo tàng Aukland).
Sau quá trình biến đổi, khu vực giữa hai lục địa co lại. Nhưng cách đây khoảng 50 triệu năm, mảng kiến tạo Thái Bình Dương chìm xuống dưới New Zealand, nâng hai quần đảo nhô lên, tạo thành một chuỗi núi lửa ở Thái Bình Dương, giảm bớt áp lực nén lên vỏ đại dương giữa hai lục địa. “Điều chúng tôi muốn hiểu rõ là tại sao và khi nào các giai đoạn từ giãn nở tới giảm nén diễn ra”, Dickens chia sẻ.
Hồi tháng 2, các nhà khoa học công bố phát hiện một lục địa ẩn dưới Thái Bình Dương trên tạp chí GSA Today dựa theo một số bằng chứng. Lớp đá dưới đáy biển ngoài khơi New Zealand được tạo thành từ nhiều loại đá cổ đại khác nhau chỉ tìm thấy trên các lục địa. Thềm lục địa của Zealandia nông hơn nhiều so với ở vỏ đại dương xung quanh. Các mẫu đá cũng chỉ ra có một dải vỏ đại dương mỏng ngăn cách giữa Australia và phần chìm dưới nước của lục địa Zealandia.
Theo VnExrpress