Thảm sát tê giác tại Nam Phi

Thảm sát tê giác tại Nam Phi

Giới chức Nam Phi phát hiện 18 xác tê giác đang phân hủy trong một khu bảo tồn tư nhân hôm 19/11.

Thảm sát tê giác tại Nam Phi
Tê giác trắng tại Nam Phi. (Ảnh: Internet).

Khu bảo tồn tư nhân Lebata gần Công viên quốc gia Kruger là nơi người ta phát hiện xác của những con vật. Tất cả những con vật xấu số đều bị cắt sừng. Los Angeles Times cho biết, khu vực giáp ranh giữa khu bảo tồn Lebata và Công viên quốc gia Kruger không có hàng rào nên động vật và cả những kẻ săn trộm đều có thể di chuyển tự do giữa hai khu vực.

Nạn giết hại tê giác tại Nam Phi tăng vọt trong năm nay. Những tên tội phạm tấn công tê giác bằng súng tiểu liên AK-47. Từ tuần trước tới hôm 18/11 người ta đã tìm thấy xác của 25 tê giác – chiếm gần 10% tổng số tê giác bị giết trước đó trong năm.

Thảm sát tê giác tại Nam Phi
Tê giác đen tại Nam Phi. (Ảnh: Internet).

Hơn 270 tê giác bị sát hại trong năm nay trước khi vụ thảm sát được phát hiện. Số tê giác bị giết trong năm ngoái và năm 2008 lần lượt là 122 và 83.

Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật nguy cấp (CITES) cấm buôn bán tê giác. Nhưng nhu cầu đối với sừng tê giác ở các thị trường châu Á, như Trung Quốc và Việt Nam rất cao nên tê giác vẫn bị giết trộm. Người ta cho rằng sừng tê giác có thể chữa được nhiều bệnh.

Quỹ Bảo vệ động vật nguy cấp, một tổ chức phi lợi nhuận của Nam Phi, khẳng định không có bằng chứng khoa học nào cho thấy sừng tê giác có giá trị về mặt y học.

Nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên cảnh báo tê giác – đặc biệt là tê giác đen – có thể tuyệt chủng nếu tình trạng săn bắt chúng không được ngăn chặn. Một báo cáo của CITES khẳng định chỉ còn 18.553 tê giác trắng và 1.570 tê giác đen còn sống tại Nam Phi.

 

Theo Vnexpress