Vào thời kỳ hưng thịnh của ngành đường sắt, than đá là nhiên liệu dùng để vận hành động cơ xe lửa. Ngày nay, gần hai thế kỷ kể từ khi đầu tàu xe lửa Rocket chạy bằng hơi nước do George Stephenson phát minh góp phần mở ra cuộc Cách mạng công nghiệp, than đá cũng sẽ là nhiên liệu nòng cốt của thời đại máy bay phản lực. Nhưng khác ở chỗ, máy bay trong tương lai có thể sẽ hoạt động bằng nhiên liệu lỏng làm từ than đá hay khí tự nhiên.
Không lực Mỹ hiện đang thử nghiệm vận hành “pháo đài bay” B-52 Stratofortress bằng nhiên liệu có nguồn gốc từ than đá. Các công ty khai thác than ở Mỹ, một trong những nước có trữ lượng than đá đứng đầu thế giới, đang đầu tư phát triển nhiên liệu thay thế từ than (carbon). Công nghệ sản xuất nhiên liệu lỏng từ than đá hay khí tự nhiên hầu như không mới. Quy trình Fischer-Tropsch (trong đó than đá được chuyển hóa thành khí đốt trước khi hóa lỏng
(Ảnh: BaoCanTho) |
thành nhiên liệu) có từ năm 1923 và từng được Đức và Nhật sử dụng trong Thế Chiến II để tạo ra nhiên liệu thay thế. Và nhiên liệu “than đá – thành – chất lỏng” (coal-to-liquid, CTL) này đã và đang được dùng tại nhiều nước như Nam Phi, đáp ứng 30% nhu cầu nhiên liệu cho giao thông.
Ngoài ưu điểm rẻ hơn dầu, những người ủng hộ chỉ ra rằng nhiên liệu này thân thiện với môi trường đồng thời sẽ giúp Mỹ thôi lệ thuộc vào nguồn dầu nhập từ nước ngoài. Theo David Neeleman, giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập hãng hàng không JetBlue, việc tận dụng trữ lượng than nội địa là giải pháp hợp lý để Mỹ vươn đến khả năng tự chủ về năng lượng.
Ngoài ra, CTL đốt cháy sạch hơn đáng kể so với các loại nhiên liệu thông thường. Luke Popovich, phát ngôn viên Hiệp hội Mỏ than Mỹ, cảnh báo Mỹ có nguy cơ rớt lại sau các đối thủ kinh tế như Trung Quốc, đã dự định chi 25 tỉ USD xây dựng các nhà máy CTL. Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ đã đi sau trong việc nắm bắt tiềm năng to lớn của nhiên liệu lỏng mà than đá mang lại. Ước tính, mỗi nhà máy ở Mỹ có khả năng sản xuất 40.000 thùng CTL/ngày, với mức nguyên liệu bình quân 8,5 triệu tấn than/năm. Trong khi đó, Trung Quốc tập trung xây dựng những nhà máy với năng suất 60.000 thùng CTL/ngày.
Trước tình hình giá dầu tăng cao như hiện nay, nhiều công ty đang đầu tư vào công nghệ phát triển CTL hứa hẹn sẽ mang lại nguồn lợi béo bở. Gregory Boyce, Giám đốc điều hành công ty năng lượng Peabody, nhận định rằng lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển và có tin cho hay Trung Quốc có thể sản xuất dầu từ than đá với giá 25 USD/thùng.
Công ty nhiên liệu thay thế Syntroleum mới đây loan báo nhiên liệu cực sạch dùng cho máy bay phản lực của họ đã được thử nghiệm thành công trên máy bay ném bom B-52. Đó là hỗn hợp 50/50 của CTL và nhiên liệu máy bay phản lực truyền thống JP-8. Thử nghiệm này là một phần trong Sáng kiến Nhiên liệu Bền vững của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm phát triển nguồn nhiên liệu nội địa vững chắc cho nhu cầu năng lượng của quân đội. Lầu Năm Góc đang hướng tới mục tiêu hạn chế dầu thô nhập khẩu và đến năm 2016, nhiên liệu thay thế sẽ giải quyết 50% nhu cầu năng lượng của không quân.
QUÁCH HÙNG
Theo BBC, Báo Cần Thơ