Thận trọng với “lời ăn tiếng nói” nơi công sở

Thận trọng với “lời ăn tiếng nói” nơi công sở

Bị sa thải chỉ vì “khen”

Nhiều cô, cậu mới được tuyển dụng vào làm việc nghĩ rằng cách hòa nhập cũng như cách lấy lòng tốt nhất và nhanh nhất ở môi trường mới là “khen” những người đi trước, đặc biệt là “khen” sếp. Nhưng thật ra, với những người đã làm ở vị trí lãnh đạo ở một công ty lớn thì những lời khen sáo rỗng chỉ khiến họ đánh giá người khen là kẻ nông cạn, nịnh hót và quá nhàn nhã. Bởi khen đúng không sao, có khi khen còn không rõ “đẳng cấp” để khen cho xứng tầm.

Thảo, cô bé mới vào làm việc ở công ty tôi bị sa thải cũng chỉ vì khen. Thảo có ngoại hình cân đối, khuôn mặt dễ thương, lại tỏ ra rất nhanh nhẹn, hoạt bát nên trong đợt tuyển lễ tân của công ty cô bé đã trúng tuyển, dù trình độ học vấn không mấy cao. Nếu Thảo cứ bình lặng mà làm việc thì không sao, đằng này cô bé vì muốn “kết thân” với mọi người nên gặp ai cũng khen. Thôi thì lời khen chẳng mất tiền mua, chị em công ty nhiều khi được khen cũng cảm thấy vui vẻ làm việc dù nhiều khi biết rằng lời khen không đúng. Có lẽ dừng ở đó thì không sao, đằng này Thảo áp dụng việc “khen” cho cả những vị khách đến công ty để thể hiện mình thân thiện. Ai ngờ, vị khách thường xuyên đến công ty lại là vợ của sếp tổng, bà ta vừa là vợ sếp nhưng cũng vừa là người “đứng sau” giúp sếp điều hành công ty. Khi thấy công ty có nhân viên gặp ai cũng khen để bám lấy làm quen, gặp ai cũng đứng buôn chuyện, không tập trung vào công việc, có thái độ làm việc thiếu nghiêm túc khiến vợ sếp tổng rất “nóng mặt” cuối cùng Thảo bị sa thải chỉ vì hay “khen”.

Thận trọng với “lời ăn tiếng nói” nơi công sở

Thật thà là “chết”

Còn Trường – nhân viên IT mới vào công ty thì quả là một anh chàng thật thà, nhưng chính sự thật thà của cậu đã đẩy cậu ra khỏi công ty một cách chóng vánh. Tôi nhận ra cậu ta thật thà ngay ngày đầu tiên bước chân vào công ty làm việc, chẳng là Trường vừa mới tốt nghiệp đại học nên giờ giấc làm việc chưa quen. Buổi đầu tiên cậu ta đến công ty muộn, thôi thì cứ nói đại rằng chưa quen đường nên đi chậm, hoặc tắc đường thì cậu ta đỡ bị sếp nạt cho một trận. Đằng này cậu ta thật thà “cháu ngủ quên chú ạ”, thế là cậu ta để lại ấn tượng không tốt cho giám đốc về một người thiếu nghiêm túc trong công việc. Chưa dừng lại ở đó, vì là làm bên IT nên cậu ta làm ở bộ phận nắm giữ nhiều “bí mật” trong máy tính nội bộ mà ít người nắm bắt được. Ấy vậy nhưng Trường lại không biết giữ mồm giữ miệng, chỉ cần ai đó gặng hỏi là cậu ta tuôn ra hết.

Cuối cùng, chiến lược kinh doanh của công ty bị tiết lộ mà nguyên nhân là từ sự thật thà của Trường khiến cả công ty phải cật lực đối phó với đối thủ. May mắn giám đốc là người bản lĩnh nên đã dẫn dắt công ty vượt qua trắc trở. Riêng về Trường, cậu ta đã bị sa thải không thương tiếc, đồng thời tháng lương cuối cùng còn không được lấy. Vậy đấy, trong môi trường công sở phải thận trọng lời ăn tiếng nói, nên nói gì và không nên nói gì mỗi người đều phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng.

Lỡ “nói xấu” sếp

Hương thì thê thảm khi lỡ đi “nói xấu” sếp. Thật ra, ai cũng biết rằng sếp có lắm tài, nhưng cũng nhiều tật, không tật này thì cũng tật khác. Như giám đốc công ty tôi làm việc, gì chứ công việc thì không chê được nhưng sếp thì lại thích “ăn phở” bên ngoài. Việc đâu bỏ đó, nhân viên biết nhưng cứ im lặng phớt lờ thì không sao, đằng này Hương còn thích mang chuyện sếp ngoại tình đi kể khắp nơi. Với lương một nhân viên chăm sóc khách hàng lâu năm như Hương cứ bình lặng sống thì cũng thoải mái chi tiêu. Nhưng không, có lẽ do bệnh nghề nghiệp nói nhiều nên gặp ai xoay qua xoay lại rồi cũng lại nói về chủ đề ngoại tình mà chuyện sếp tổng ngoại tình phải được lôi ra làm ví dụ đầu tiên. Không những thế để cho câu chuyện hấp dẫn Hương còn hay thêm mắm thêm muối vào cho hay.

Hương không ngờ, lần đó người nghe được câu chuyện bêu riếu của Hương về sếp tổng lại chính là ả nhân tình của sếp. Cuối cùng, Hương bị sa thải mà không biết tại sao, chỉ có chúng tôi biết rằng chính vì tội “không giữ mồm giữ miệng” của Hương đã khiến cô thân bại, danh liệt.

Chính vì vậy, muốn tồn tại được ở chốn công sở ngoài việc tập trung chuyên môn, tôi khuyên các bạn nên cố gắng cân nhắc lời nói của mình sao cho phù hợp, đúng người, đúng việc và thật khéo léo. Thật thà quá cũng không được, bỗ bã quá cũng khiến bạn đau đầu vì vậy bạn phải thật cẩn trọng với “lời ăn tiếng nói” nơi công sở.

Ngọc Bích 

 

 

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.