Các kỹ sư thuộc Đại học Ohio (Mỹ) đã phát minh ra một loại thấu kính hiển vi đặc biệt giúp nhìn các vật cực nhỏ ở cả 9 góc độ khác nhau cùng một lúc và tạo ra một hình ảnh 3D về những vật đó.
Một nguyên mẫu loại thấu kính đa diện mới cho kính hiển vi 3D. Ảnh: ĐH Ohio.
Theo trang ScienceDaily, các loại kính hiển vi 3D khác hiện nay phải sử dụng nhiều thấu kính hoặc camera quay xung quanh một vật thể. Tuy nhiên, phát minh của các kỹ sư thuộc ĐH Ohio (Mỹ) là loại thấu kính đơn, tĩnh đầu tiên có thể tạo ra hình ảnh hiển vi 3D của các vật.
Allen Yi – phó giáo sư chuyên ngành kỹ sư hệ thống tích hợp tại ĐH Ohio miêu tả loại thấu kính mới là một bằng chứng về ý tưởng đối với các nhà sản xuất thiết bị y khoa và vi điện tử, vốn vẫn đang sử dụng cơ chế máy móc vô cùng phức tạp để quan sát các thành phần rất nhỏ.
Các thấu kính nguyên mẫu mới chỉ có kích thước bằng móng tay và nhìn thoáng qua trông giống một viên đá quý gắn mặt nhẫn, với phần đỉnh bằng phẳng được bao quanh bởi 8 mặt. Tuy nhiên, trong khi các viên đá quý được cắt cho đối xứng thì thấu kính này không hề đối xứng. Kích thước và các góc của các mặt thay đổi theo đơn vị phút mà mắt thường khó nhận thấy được.
“Dù bạn nhìn thấu kính này theo hướng nào, bạn cũng sẽ thấy một hình dạng khác biệt”, ônh Yi giải thích. Một thấu kính kính như vậy được gọi là một “thấu kính đa diện“.
Ông Yi nói, mặc dù các kỹ sư đã dùng một máy cắt chính xác để khắc gờ những nguyên mẫu thấu kính bằng nhựa dẻo nóng của họ, nhưng các thấu kính tương tự có thể được sản xuất ít tốn kém hơn thông qua những kỹ thuật đúc truyền thống. Chuyên gia này khẳng định thêm: “Cuối cùng, chúng tôi hy vọng sẽ giúp các nhà sản xuất giảm số lượng và kích thước của thiết bị cần thiết để thu nhỏ sản phẩm“.
Theo Vietnamnet