Loài lươn ở Hoa Kỳ đang biến mất rất nhanh khỏi các thực đơn của nhà hàng bởi nguồn hàng cung cấp đang sụt giảm nghiêm trọng ở Bắc Đại Tây Dương. Trong khi lý do về sự sụt giảm lươn vẫn bí ẩn giống như sự di trú của loài vật này, nghiên cứu gần đây do một nhà khoa học NOAA và các đồng nghiệp tại Nhật Bản và Vương Quốc Anh thực hiện cho biết sự thay đổi điều kiện khí hậu trên biển có thể là nhân tố chủ yếu dẫn đến sự suy giảm trong sinh sản và tỉ lệ sống sót của lươn.
“Mặc dù rất nhiều khía cạnh về quá trình đẻ trứng và lịch sử phát triển của loài vật không được tìm hiểu cặn kẽ, chúng rõ ràng đã thích nghi để phát triển ở vùng biển Sargasso phía nam Bermuda”, nhà sinh vật học NOAA Kevin Friedland cho biết. “Chúng tồn tại dưới dạng ấu trùng trong vòng một năm hoặc hơn và có khuynh hướng sống ở vùng 100 mét nước phía trên (khoảng 330 fit), vì vậy bất cứ thay đổi nào trên bề mặt nước biển cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các giai đoạn thiết yếu trong quá trình phát triển của chúng”.
Friedland và các đồng nghiệp đã tìm thấy sự tương quan đáng kể giữa sự dao động phía Bắc Đại Tây Dương, sự lưu thông theo thập kỷ của khí hậu biển, và sự biến đổi lâu dài trong giai đoạn trước trưởng thành, thường được gọi là lươn thủy tinh. Được coi là một món ăn quý, việc đánh bắt lươn thủy tinh luôn là một đề tài gây tranh cãi vì những mối quan tâm về trữ lượng mà một số người cho rằng đã gần như cạn kiệt. Từ những năm 70, số lượng lươn đến với châu Âu được cho rằng đã giảm hơn 90 %.
Ngành đánh bắt lươn Hoa Kỳ cũng như châu Âu đang sụt giảm. (Ảnh: Dịch vụ đánh bắt cá và đời sống hoang dã Hoa Kỳ) |
Trong một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí ICES về nghiên cứu biển, các nhà khoa học đã xem xét lại dữ liệu về đánh bắt lươn thủy tinh từ năm 1938 tại Den Oever Hà Lan. Loại trừ những năm chiến tranh không có dữ liệu nào được thu thập, những chuỗi thời gian có tương quan đối với sự đo lường ở quy mô rộng về những biến đổi thời tiết, ví dụ NAO với những biến đổi cụ thể như nhiệt độ bề mặt nước biển, hướng gió và hỗn hợp thành phần tự nhiên trong các tầng trên của đại dương điều khiển quá trình sinh sản. Thay đổi trong những yếu tố này khớp với những thay đổi trong sinh sản.
Lươn ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương là loài vật di cư xuôi dòng, nghĩa là hầu hết phần đời của mình chúng sống ở các sông, hồ và cửa sông nhưng xuôi ra biển để đẻ trứng. Lươn ở châu Âu và Hoa Kỳ đều đẻ trứng ở vùng biển Sargasso, nằm giữa Bahamas và Bermuda, sự khác biệt về nhiệt độ được thể hiện vào mùa đông và mùa xuân tạo thành ranh giới phía bắc của vùng đẻ trứng. Người ta tin rằng lươn sử dụng điều này để tìm bạn đời và đảm bảo sự sống sót của những con non được sinh ra.
Sau khi nở, các ấu trùng trong suốt hình lá của chúng, được gọi là leptocephali, nằm lại ở bề mặt nước biển trong vòng khoảng 1 năm rồi trôi giạt về phía dòng nước ấm Gulf (từ vịnh Meehico qua Đại Tây Dương đến châu Âu), đưa loài lươn về nhà của mình ở vùng biển duyên hải châu Âu. Cùng với dòng Gulf, dòng Antilles và các dòng lưu thông về phía Tây khác ở vùng biển phía Bắc Đại Tây Dương đưa lươn của Hoa Kỳ quay trở lại bờ biển phía Đông Hoa Kỳ, nơi chúng cư ngụ tại các cửa sông như vịnh Chesapeake.
Một khi đã trở lại vùng biển duyên hải, các ấu trùng dài từ 2 đến 3 inch chuyển sang hình dạng lươn trong suốt ở độ tuổi trước trưởng thành, hay lươn thủy tinh, tên được đặt theo hình dáng của chúng. Chúng tập trung ở các cửa sông và chờ cho nước sông ấm lên trước khi bơi ngược dòng đến vùng nước ngọt, ở đó chúng thay đổi màu bằng cách hấp thu sắc tố xanh lục và nâu để trở thành màu vàng thường thấy. Chúng có thể sống đến 20 năm ở sông và đạt đến độ dài chung khoảng 30 inch trước khi quay trở lại biển. Nhưng trước khi quay lại vùng biển Sargasso, chúng trải qua một sự thay đổi cơ thể khác, chúng nhận thêm sắc tố bạc để trở thành lươn bạc.
“Thay đổi điều kiện khí hậu biển ở Sargasso nguyên nhân là NAO có thể làm ảnh hưởng đến sự sinh sản và tỉ lệ sống sót của loài lươn châu Âu”, Friedland giải thích. “Những kết quả chúng tôi tìm được cung cấp bằng chứng về mối liên kết giữa sự sụt giảm trong sinh sản và các thay đổi môi trường cụ thể trong thời kỳ đẻ trứng và các vùng phát triển ấu trùng ở biển Sargasso. Số lươn Nhật Bản ở phía Bắc Thái Bình Dương cũng gặp những áp lực về khí hậu tương tự bắt nguồn từ hiện tượng El Nino.”
Sự sụt giảm này một phần là do thay đổi tự nhiên phía Bắc Đại Tây Dương, ngoài ra còn có những thách thức khác mà loài lươn phải đối mặt như: thay đổi môi trường sống, lạm dụng đánh bắt, động thực vật ký sinh, các rào cản ở sông như nhà máy thủy điện hay các con đập, và ô nhiễm môi trường.
Friedland và các đồng nghiệp cho biết nghiên cứu chỉ ra sự thay đổi điều kiện khí hậu biển góp phần làm giảm sự sinh trưởng của loài lươn châu Âu và cũng có thể làm giảm số lượng loài lươn Hoa Kỳ, nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng yếu tố con người trong những giai đoạn sống ở nhiều lục địa của loài vật này cũng cần được cân nhắc khi tính toán sự quản lý và các kế hoạch nghiên cứu trong tương lai.
Theo Trà Mi (Physorg)