Theo các nhà khoa học, năm 2012, một trận bão từ Mặt Trời giống hiện tượng từng xảy ra năm 1859 sẽ đổ ập tới trái đất, gây thiệt hại to lớn vì loài người đã phụ thuộc quá nhiều vào điện.
Kịch bản cho “ngày bão đổ bộ”
Một báo cáo đăng trên tạp chí khoa học New Scientist số mới nhất cho thấy, trận siêu bão Mặt Trời sắp tới có thể trở thành một thảm họa và là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền văn minh nhân loại trong tương lai.
Ngày 1/9/1859, chỉ 48 giờ sau khi Richard Carrington, nhà thiên văn học người Anh phát hiện một vệt sáng tách khỏi bề mặt Mặt trời, các dải cực quang chiếu sáng toàn bộ bầu trời đêm kéo dài đến cả những vùng nhiệt đới. Ánh sáng này mạnh đến nỗi người ta có thể đọc báo giữa đêm khuya. Ở California, những người thợ mỏ bị đánh thức vào lúc hai giờ sáng vì tưởng rằng ánh sáng ngày mới đã đến.
Hiện tượng cực quang ở vùng cực, luồng gió mặt trời “hiện hình” khi va đập vào bầu khí quyển. |
Các nhà khoa học ước lượng, trái Đất đã gần như bị nhấn chìm trong điện. Tuy nhiên, khi đó thiệt hại không đáng kể vì toàn bộ chuyển động của thế giới vận hành bằng hơi nước và sức người. Thời đó, thiệt hại đáng kể có lẽ chỉ là các điện tín viên. Họ bị giật bởi các dòng điện tạo ra do bão Mặt Trời tràn lan khắp hệ thống đường tín hiệu.
Nhưng ngày nay, mọi sự đã khác. Một trận siêu bão điện từ tương tự năm 1859 sẽ sinh hàng nghìn ra tỷ watt điện dư thừa. Lượng điện này sẽ làm tan chảy linh kiện của các máy biến thế khắp nơi trên toàn thế giới. Tất cả các hoạt động ở nhiều quốc gia vốn phụ thuộc chặt chẽ và điện năng sẽ bị tê liệt: các nhà máy, hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước, hệ thống thông tin và viễn thông, hệ thống cung cấp và phân phối hàng hóa,…
Nền văn minh bị đẩy lùi hàng thập kỷ
Bão Mặt Trời hay gió Mặt Trời, là luồng hạt điện tích giải phóng từ vùng thượng quyển của Mặt Trời mang theo các hạt electron và proton năng lượng cao (khoảng 500KeV). Những luồng gió hạt điện tích này thường xuyên thổi đến Trái Đất, gây ra lo ngại đối với sức khỏe của các phi hành gia và các vệ tinh nhân tạo ngoài vũ trụ.
Năm 2012, từ quyển của trái đất đối mặt với cơn bão từ trường mạnh nhất trong lịch sử hiện đại. |
Tuy nhiên đối với những sinh vật nằm trong sự bảo vệ bầu khí quyển và từ quyển của Trái Đất, bão Mặt Trời thường chỉ gây ra một số hiện tượng như bão từ, cực quang…
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, bão mặt trời có chu kỳ 11 năm, tuy nhiên mức độ của mỗi lần hoạt động là khác nhau. Theo các nhà khoa học, đỉnh điểm tiếp theo của hoạt động này sẽ diễn ra vào năm 2012, có nhiều khả năng sẽ rơi vào gần ngày Xuân phân hoặc Thu phân.
Khi đó, các nước ít bị ảnh hưởng nhất là các nước đang phát triển. Những nước thuộc thế giới thứ ba vẫn thường phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa tự nhiên do cơ sở hạ tầng kém phát triển, lại sẽ có khả năng thích ứng rất nhanh nếu như thảm họa bão Mặt Trời xảy ra. Ngược lại, các quốc gia phát triển sẽ bị tê liệt gần như hoàn toàn, và sẽ phải mất hàng thập kỷ mới có thể quay trở lại nhịp sống như cũ.
Theo Báo Đất Việt (Daily Mail)