Con người phải đối mặt với nhiều dịch bệnh do tình trạng ô nhiễm nguồn nước trầm trọng cùng kiểu thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng dày đặc.
Nhà vi sinh vật học Joan Rose, người từng giành giải thưởng uy tín thế giới về lĩnh vực nước sạch, hiện đang chìm trong cảm xúc lẫn lộn giữa sự thất vọng và lạc quan về tiến trình xử lý nguồn nước phục vụ dân sinh.
Ô nhiễm nguồn nước gây ra những bệnh lý nghiêm trọng.
Tháng 5/2000, phân nửa trong số 5.000 người dân sinh sống tại Walkerton, Canada ngã bệnh với 5 trường hợp tử vong khi phân bò lẫn vào nguồn nước giếng. Tình trạng ô nhiễm tại thị trấn bị giấu nhẹm, bỏ mặc người dân đối mặt với nhiều mối nguy hiểm hủy hoại thân thể.
Nhà sinh vật học Joan Rose đến từ Đại học Michigan, vốn rất tỏ tường với những đợt bùng phát ô nhiễm nước nghiêm trọng trên thế giới cũng phải rùng mình trước thực trạng tồi tệ ở Walkerton.
“Đó là cú sốc lớn nhất đối với tôi. Walkerton là vùng nông nghiệp nhỏ bé. Người dân nơi đây rất dễ mến. Nhưng họ phải hứng chịu 2 mầm bệnh từ nguồn cấp nước. Họ không biết con cái mình đang yếu dần đi, có nguy cơ bị suy thận, thậm chí phải lọc máu suốt phần đời còn lại. Tôi đã nhìn thấy cảnh ô nhiễm hủy hoại người dân, thấy sự đau đớn hiện hữu trong đôi mắt của họ”, Joan Rose chia sẻ.
Giáo sư Rose là người rất quan tâm tới an toàn nguồn nước sinh hoạt.
Giáo sư Joan Rose nhận định, Walkerton là một trong những sự cố ô nhiễm môi trường tồi tệ nhất Canada. Nhưng có hàng trăm vụ việc tương tự xảy ra mỗi năm trên thế giới dù phần lớn không nghiêm trọng bằng.
Hầu hết đều xuất phát từ việc nguồn nước uống bị nhiễm chất thải.“Ở Mỹ mỗi năm có khoảng 12.000 – 18.000 trường hợp mắc bệnh do nguồn nước. Tại các nước đang phát triển, cứ mỗi 3 người nhập viện lại có một trường hợp là do nước ô nhiễm. Chúng tôi không thể biết chính xác thực trạng tồi tệ như thế nào nhưng trên thế giới có tới 1,5 tỷ người không được tiếp cận nguồn nước sạch”, bà cho biết.
Tuần vừa rồi, Rose nhận được giải thưởng uy tín nhất thế giới về đóng góp phát triển nguồn nước sạch tại hội nghị ở Stockholm. Nhưng đến chính bà cũng không chắc chắn về tương lai của việc đảm bảo vệ sinh nước uống trong cộng đồng dân sinh.
Nước lẫn những tạp chất nguy hiểm.
“Chúng tôi bắt đầu đạt được những thành công nhất định về việc giảm tỷ lệ tử vong do bệnh gây ra qua đường dẫn nước, nhưng lại xuất hiện vấn đề lớn là tỷ lệ mắc bệnh. Mọi người đang trở nên yếu hơn. Chúng ta đang trải qua thời kỳ ô nhiễm tồi tệ nhất chưa từng có trong lịch sử”.
Số liệu thống kê phơi bày bức tranh ảm đạm. Tuần vừa rồi, bản tin của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc cho biết hàng trăm triệu người dân trên toàn thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ xấu về sức khỏe như dịch tả, thương hàn gây ra bởi các mầm bệnh trong nước. Ô nhiễm nguồn nước tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ đặc biệt đáng báo động với hơn một nửa số sông ngòi chứa mầm gây bệnh.
“Phần lớn trong số 7 tỷ người trên Trái đất phải sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm. Chất lượng nước tại các ao hồ, sông suối và bờ biển đang xuống cấp tới mức đáng báo động. Tình trạng bắt đầu tồi tệ từ những năm 1950 khi gia tăng nguồn thải từ con người và gia súc, mức tiêu thụ nước, thuốc trừ sâu và phân bón”, bà Joan Rose cho biết.
Thế giới cần đầu tư nhiều hơn nữa cho việc xử lý nước thải.
“Chúng tôi đang cố thay đổi ngay tại chính vùng đất của mình. Nhưng thời khí hậu lại chuyển biến xấu theo từng ngày. Chúng ta biết rằng, cường độ mưa bão và hạn hán thay đổi nhiều. 50% trường hợp bị bệnh từ nguồn nước tại Mỹ mỗi năm liên quan tới hiện tượng mưa cực đoan“.
Mưa lớn và lũ lụt là tác nhân gây ra các bệnh như trùng xoắn móc câu, viêm gan, virus norovirus ảnh hưởng tiêu hóa và nhiễm trùng kí sinh cryptosporidium. “Có mối liên quan trực tiếp giữa việc nguồn nước bị ô nhiễm và dịch bệnh lây truyền. Nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm hay lũ lụt, tất cả các yếu tố cũng ảnh hưởng gây ra mầm bệnh. Nhiều ngước đang phát triển lại gặp khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng xử lý nước thải đạt chuẩn”, Rose chia sẻ thêm.
Trong khi đó, nước thải chứa hơn 100 loại virus khác nhau, trong đó nổi bật là Cyclovirus ảnh hưởng tới thần kinh của trẻ. Tốc độ lây nhiễm rất nhanh trên diện rộng. Ngay cả ếch nhái hay sao biển cũng chết dần chết mòn.
Rose cho rằng, xã hội cần đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng nước sinh hoạt. Đó là điều kiện tiên quyết giúp giảm áp lực tại các bệnh viện, tăng chất lượng đời sống người dân và tránh cho thế giới đối mặt với một thảm họa về dịch bệnh trong tương lai.
Theo Trí Thức Trẻ