Góc làm việc tại nhà là một nơi không thể thiếu được đối với rất nhiều người, đặc biệt là những người quá bận rộn, thường xuyên phải giải quyết công việc tại nhà. Đối với họ góc làm việc quan trọng không kém bất kỳ một không gian nào trong nhà và cũng cần rất nhiều sự đầu tư.
Phải đưa công việc về làm thêm tại nhà là một việc mà không phải ai cũng cảm thấy thích thú, ngoại trừ những người thuộc nhóm “Workaholic” – những người nghiện việc. Với tâm lý như vậy, nên góc làm việc tại nhà cần phải được bố trí để mang lại cho bạn cảm giác thật sự thoải mái, và cao hơn nữa là tạo được cảm hứng để bạn có “động lực” ngồi vào bàn tiếp tục công việc còn dang dở.
1. Chọn vị trí cho góc làm việc
Khi làm việc tại nhà, bạn rất dễ dàng tác động bởi các yếu tố xung quanh như tiếng mọi người trò chuyện, tiếng tivi hoặc tiếng nô đùa của những đứa trẻ khiến bạn phân tâm và không thể tập trung vào công việc. Do đó, bạn cần phải chọn vị trí đặt góc làm việc sao càng tách biệt với không gian sinh hoạt chung của ngôi nhà thì càng tốt, để đạt được hiệu quả tối đa trong công việc.
Sẽ là lý tưởng nhất nếu bạn có một phòng làm việc riêng, nếu điều kiện không cho phép bạn hãy đặt góc làm việc tại phòng ngủ, căn phòng áp mái, một góc nhỏ gầm cầu thang hoặc tại một góc khuất trong nhà. Trong trường hợp hạn chế về lựa chọn vị trí, bạn có thể tự tạo cho mình sự riêng biệt bằng sử dụng những chiếc tủ, kệ đựng tài liệu như một cách ngăn để giảm bớt ảnh hưởng từ xung quanh.
Nếu được hãy cố gắng bố trí bàn làm việc gần một khung cửa sổ. Bên cạnh việc cung cấp nguồn sáng tự nhiên giúp mắt bạn đỡ mệt mỏi khi làm việc, tạo sự thông thoáng và không khí luôn tươi mới cho căn phòng, khung cửa sổ cũng cho bạn một khung cảnh để nhìn ngắm những lúc cần nghỉ ngơi.
Thói quen làm việc cũng là một trong những yếu tố bạn cần cân nhắc khi chọn vị trí đặt góc làm việc. Nếu bạn là người thích làm việc vào lúc sáng sớm hoặc đêm muộn thì những không gian như một góc phòng khách, lối đi hành lang hoặc một chiếu nghỉ rộng ở cầu thang đều có thể là lựa chọn tốt. Vào thời điểm đó, ngôi nhà thường khá yên tĩnh cho phép bạn thoái mái làm việc mà không lo ánh sáng hoặc tiếng lạch cạch từ bàn phím ảnh hưởng đến giấc ngủ của những người khác trong gia đình.
Nếu bạn muốn hoàn thành sớm công việc trong khi mọi người còn đang thức, để có thể nghỉ ngơi sớm thì những góc khuất, phòng ngủ, tầng áp mái tách biệt vẫn là những lựa chọn tốt nhất.
2. Trang trí góc làm việc để tăng cảm hứng
Chắc hẳn rất ít khi bạn cảm thấy góc làm việc ở nhà “hấp dẫn” hay mang lại “cảm hứng” cho công việc của bạn. Đó là lý do vì sao, bạn cần chú trọng nhiều hơn đến việc trang trí góc nhỏ này sao cho chúng trở nên thú vị hơn.
Gam màu và hoạ tiết yêu thích cho những bức tường phía trước bàn làm việc và không gian xung quanh để nâng cao tinh thần và cho phép bạn ở trạng thái tốt nhất khi bắt tay vào làm việc.
Nếu công việc đòi sự tập trung và cảm giác thư thái, tĩnh lặng chọn những gam màu trầm hoặc gam màu trung tính.
Nếu công việc đòi hỏi sự sáng tạo, bùng nổ ý tưởng hãy có thể chọn những màu sắc mạnh mẽ, táo bạo.
Biến góc làm việc thành 1 “gallery nhỏ” trưng bày những tác phẩm hội họa, những món đồ trang trí xinh xắn, một vài “thành quả” từ công việc hoặc bức ảnh của nhưng người thân yêu trong gia đình. Những món đồ nhỏ này khiến góc làm việc không còn mang đến cảm giác áp lực, “stress” mà thay vào đó là sự thoải mái, gần gũi và đầy động lực. Mỗi khi mệt mỏi vì tập trung quá lâu vào công việc, ngắm nhìn những món đồ mà mình yêu thích cũng là giúp bạn lấy lại tinh thần để tiếp tục công việc.
Một vài chậu cây xanh hoặc lọ hoa tươi mỗi ngày mang đến cho góc làm việc vẻ đáng yêu, nhẹ nhàng và thư thái. Ngoài ra màu xanh cây lá còn giúp mắt bạn điều tiết sau khi nhiều giờ liền làm việc với tài liệu, máy tính.
3. Chọn vật dụng một cách khoa học
Chọn ghế ngồi làm việc phải bảo đảm được yếu tố thoải mái để bạn có thể ngồi làm việc lâu. Nên chọn loại ghế có lưng tựa, có thể điều chỉnh về chiều cao và di chuyển thuận tiện. Đối với góc làm việc bé, bạn có thể chọn các loại ghế xếp để dễ dàng cất gọn khi không sử dụng. Lưu ý đến khoảng trống để chân phía dưới để thoải mãi co duỗi khi mỏi. Tránh đặt kệ hoặc giỏ đựng tài liệu phía dưới chân.
Chọn đèn làm việc: Bạn nên chọn các loại đèn bàn có thể điều chỉnh ánh sáng và chức năng xoay để có thể thay đổi vị trí ánh sánh phù hợp với tư thế ngồi làm việc của bạn, tập trung vào vị trí mà bạn muốn.
Bố trí tủ đựng tài liệu khoa học: Tủ kệ đựng tài liệu được phân chia, bố trí một cách rõ ràng khoa học sẽ giúp bạn tìm được các tài liệu thuận tiện, nhanh chóng.
4. Tạo cảm giác thư giãn khi làm việc
Một chiếc loa mini: Không như các loại tiếng động khác, âm nhạc, đặc biệt là một số thể loại nhạc không lời, hoặc âm thanh giả tiếng động của quán cafe lại giúp kích thích trí não giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. Một chiếc loa mini với âm lượng vừa đủ tạo cho bạn một “thế giới” riêng và đắm mình trong công việc.
Một chiếc ghế bành với đôn để chân đặt ở cạnh góc làm việc cho bạn nhiều lựa chọn hơn cho khi cần suy nghĩ, đọc tài liệu hoặc một khoảng nghỉ ngơi, giấc ngủ ngắn nếu thời gian làm việc kéo dài nhiều giờ liên tục.
Một khay đựng các loại nước uống và vài món đồ ăn vặt để nhâm nhi những lúc dừng tay như vậy bạn sẽ không cần di chuyển làm gián đoạn suy nghĩ cũng như khả năng tập trung của bạn.
Blue
Nguồn ảnh: Houzz
Yêu từng góc nhỏ trong nhà
Chiếc giường là nơi vỗ về…
Góc ban công dịu dàng
Bếp xinh thế này, ai chẳng thích
Chăm chút lối vào nhà để “yêu” từ cái nhìn đầu tiên
|
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.