Kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Mỹ công bố trên tạp chí Nature ngày 1/8 cho thấy, trong thời gian từ năm 1960-2010, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển được các đại dương và đất đai hấp thụ đã tăng gấp đôi.
Điều này chứng tỏ thiên nhiên ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc kìm hãm hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Các nhà khoa học cho biết trong năm 2010, các đại dương, giới thực vật và đất đai đã hấp thụ lượng khí cácbon ước tính lên tới 5 tỷ tấn, so với mức 2,4 tỷ tấn năm 1960.
Trong khoảng thời gian 50 năm qua, thiên nhiên đã hấp thụ tới 55% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính do con người gây ra, đạt tổng cộng 350 tỷ tấn, trong đó chủ yếu là cácbon điôxít (CO2), thải ra từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch.
Ông Corinne Le Quere, đồng Chủ tịch Dự án Cácbon toàn cầu, dự án quy tụ các nhà khoa học trên thế giới, cũng khẳng định các số liệu trên gần như khớp với dữ liệu mà tổ chức này thu thập. Thực tế cho thấy, các loài thực vật trên đất liền và ở các vùng biển đều sử dụng cácbon để phát triển, ngay cả nước biển cũng hấp thụ cácbon điôxít.
Nghiên cứu trên cũng đồng thời loại bỏ ý kiến từ những bản báo cáo gần đây, cho rằng tỷ lệ hấp thụ cácbon của đất và đại dương không thay đổi hoặc giảm trong những thập kỷ gần đây. Vấn đề là ở chỗ trong khi các đại dương và đất hấp thụ lượng cácbon tăng gấp đôi, thì lượng khí thải do con người tạo ra lại tăng gấp bốn lần trong 50 năm qua, trong đó Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu và Ấn Độ là những nơi có lượng khí phát thải lớn nhất.
Tính từ khi cuộc cách mạng công nghiệp ra đời, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0,8 độ C. Ông Asley Ballantyne, trưỏng nhóm nghiên cứu Mỹ, cho biết “nếu Trái Đất không hấp thụ lượng lớn cácbon như vậy thì chắc chắn con người đã phải gánh chịu mức nhiệt độ nóng hơn nhiều lần trong vòng 50 năm qua”.
Theo Vietnam+