Một thiên thạch dài 16-52 mét chỉ được phát hiện một ngày trước khi nó sượt qua Trái Đất hôm 28/8.
Theo Science Alert, dù thiên thạch mang tên 2016QA2 bay qua Địa cầu ở khoảng cách chỉ bằng một phần tư khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng (khoảng 84.568km), nhưng không cơ quan vũ trụ nào phát hiện ra sự tồn tại của nó cho tới khi Hiệp hội Thiên văn Quốc tế nhỏ (MPC) phát hiện ra hôm 27/8, chỉ một ngày trước khi nó sượt qua hành tinh chúng ta.
Ảnh chụp 2016 QA2 sượt qua bầu trời Trái Đất. (Ảnh: Gianluca Masi).
MPC là một tổ chức chuyên thu thập dữ liệu quan sát các thiên thạch, tiểu hành tinh, và sao chổi. Thiên thạch 2016 QA2 mới được phát hiện có chiều dài khoảng 16-52m.
Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), việc không phát hiện ra thiên thạch gần Trái Đất khá phổ biến. Khả năng phát hiện vật thể bay gần Trái Đất (NEO) có đường kính hơn một km là 90%, NEO đường kính 160m trở xuống là 30%, còn NEO đường kính 30m trở xuống chưa tới 1%.
Một thiên thạch được phân loại là NEO nếu khoảng cách gần nhất của nó với Mặt Trời nhỏ hơn 1,3 đơn vị thiên văn AU (một AU là 149.598.000km). Các thiên thạch loại nhỏ rất khó phát hiện cho tới khi chúng tới gần, nhưng lại đủ lớn để gây ra thiệt hại đáng kể cho Trái Đất nếu xảy ra va chạm.
Quỹ đạo của 2016 QA2 cho thấy nó đã di chuyển khá lâu quanh các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời như sao Thủy, sao Kim và sao Hỏa.
Theo VnExpress