Thiết bị giúp cha mẹ trông nom con cái

Thiết bị giúp cha mẹ trông nom con cái

Yoko Ihari đang quan sát cậu con trai 5 tuổi Yoshinobu chơi trong nhà trẻ ở Tsukuba (Nhật Bản). Ihari làm việc cả ngày và thường lo lắng về cậu nhỏ mỗi khi ở cơ quan. Cô cũng có tâm trạng giống như nhiều người mẹ khác. Chính vì vậy Ihari đã tham gia chương trình thử nghiệm 5 tuần cùng với nhiều bậc phụ huynh nữa.

Thiết bị giúp cha mẹ trông nom con cái
(Ảnh minh họa)

Ihari và Yoshinobu là một phần của dự án thử nghiệm thiết bị an toàn cho trẻ. Công nghệ ứng dụng tích hợp trong thiết bị này không những có thể giúp theo dõi vị trí hoạt động của đứa trẻ, mà còn giám sát những gì trẻ nhìn thấy và cả nhịp tim của chúng.

Nếu nhịp tim của trẻ đập nhanh hơn bình thường, thiết bị lập tức chụp ngay một tấm ảnh theo chiều hướng nhìn của trẻ và báo động cho cha mẹ qua thư điện tử. Chế tạo thiết bị này là một nhóm các kỹ sư, do nhà nghiên cứu Seung-Hee Lee của Trường Đại học Tsukoba phụ trách.

Những người chăm sóc trẻ có thể dùng thiết bị này để xác định những kẻ hay bị bắt nạt, biết được việc đứa trẻ bị đe dọa từ những đứa trẻ khác nếu chúng cùng đeo thiết bị này với quãng thời gian liên tục.

Một trang Web được bảo vệ bằng mật khẩu, cho phép cha mẹ truy cập và nhận những bức ảnh trong ngày. Trong thời gian thử nghiệm, 10 đứa trẻ từ 2 – 6 tuổi sẽ đeo thiết bị nặng 97g này vài giờ mỗi tuần.

Cũng như một camera, nó gồm có một máy đo gia tốc hồi chuyển, nhận tín hiệu GPS và một compa kỹ thuật số. Bộ phận theo dõi nhịp tim được giấu dưới lớp áo. Thiết bị được thiết kế phù hợp với hoạt động của trẻ nhỏ và hình thức đẹp khiến trẻ thích thú khi đeo.

Để giảm thiểu những tác động xấu khi trẻ tiếp xúc với sóng điện từ, thiết bị chỉ phát ra những tín hiệu bằng 1/100 sóng điện từ của điện thoại di động. Những tín hiệu yếu đồng nghĩa với việc cần có 30 thiết bị tiếp âm và 18 thiết bị truyền dẫn được lắp đặt xung quanh nhà trẻ. Hiện mỗi thiết bị đeo có giá 200.000 yên (khoảng 800 euro). Nhưng với bộ cảm biến rẻ hơn, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể chế tạo ra những thiết bị rẻ bằng một nửa và thích hợp cho cả những người bệnh mất trí nhớ.

Trong tương lai, thiết bị này sẽ được dùng cho học sinh các trường tiểu học, lứa tuổi từ 6 – 11 tại Nhật Bản, kèm theo một microphone có thể ghi âm các cuộc hội thoại. Kenji Kiyonaga, chuyên gia về sự an toàn cho trẻ em của Trường Đại học Phụ nữ ở Tama (Kanasaki), cho rằng, thiết bị này là một sự can thiệp, nhưng được chấp nhận ở Nhật Bản, ít nhất là trong tương lai gần, do những tiêu chuẩn về sự riêng tư cá nhân tại đây không cao.

 

Theo Sức khỏe Đời sống