Thời gian gần đây, cơ quan chức năng phát hiện 1 số cơ sở chăn nuôi gia súc ở khu vực phía Nam có hiện tượng bơm nước vào trâu, bò để tăng lợi nhuận khi xuất chuồng. Một số độc giả lo lắng không biết ăn những thực phẩm bị bơm nước như vậy có hại với sức khỏe không.
Mời quý độc giả theo dõi cuộc trò chuyện giữa ông Nguyễn Duy Thịnh và phóng viên xoay quanh vấn đề này.
– Thưa ông, thời gian vừa qua dư luận rất bức xúc về hành động bơm nước vào bò hay lợn nhằm tăng trọng lượng trước khi bán của các lò giết mổ. Nhiều người tiêu dùng cho rằng việc bơm nước vào thịt có thể khiến thịt bị nhiễm khuẩn và gây bệnh cho con người. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Thật ra hành động bơm nước vào con vật đã được người ta làm bao đời nay rồi. Ngày xưa người ta thường nhồi vịt, cho lợn ăn nhiều cám hay nhồi rơm vào con bò trước khi bán. Bây giờ để cho nhanh và ít tốn kém thì người ta bơm nước vào con vật. Tất cả những hành động này chỉ mang tính gian lận thương mại chứ không thể nói là gây độc hại, vì nước không có khả năng gây độc hại. Thịt chỉ không an toàn khi nhiễm chất độc hay vi sinh vật. Còn việc bơm nước vào thịt chỉ làm thay đổi tính chất cơ lý của nó mà thôi.
Có 2 cách để bơm nước vào con vật, 1 là qua đường miệng hoặc hậu môn, 2 là qua đường mạch máu. Nước muốn vào cơ thể phải đi qua đường ruột và ngấm qua thành ruột. Khi lượng nước tích lũy đến mức con vật phồng to lên, nó không kịp bài tiết thì sẽ làm tăng trọng lượng của con vật. Nếu lợn hay bò còn đang sống thì còn có khả năng thấm nước qua màng ruột. Nhưng nếu con vật đã chết rồi nước chỉ tích ở đó hoặc có chăng là ngấm một chút vào cơ thể và không thể gây ra độc hại được. Hoặc người ta có thể bơm nước vào mạch máu, hoặc tĩnh mạch. Lúc này, nước sẽ tích ở mạch máu.
– Thế nhưng nếu nguồn nước bơm vào con vật là nước bẩn thì như thế nào, thưa ông?
Có thể nước bơm vào con vật không phải là nước sạch nhưng không phải lúc nào người ta cũng lấy nước cống rãnh. Và kể cả là nước bẩn cũng không thể bị nhiễm khuẩn bởi bản thân màng ruột của con vật có khả năng lọc để lấy nước sạch vào cơ thể. Chúng ta thường nhìn thấy con trâu, con bò, con gà ở ngoài đường thỉnh thoảng vẫn vục xuống dưới bùn uống nước nhưng không hề bị nhiễm trùng. Cho nên, không phải con vật cứ uống nước nào là nhiễm vào cơ thể nước ấy như dư luận vẫn nói.
– Có bạn đọc phản ánh rằng khi mua thịt bò thì phát hiện tình trạng giữa các mô thịt có dịch. Ông giải thích như thế nào về điều này ạ?
Điều này rất khó giải thích vì nếu có thể xác định trước khi bơm nước và sau bơm nước thì mới có thể kết luận được. Còn tình trạng trên có thể do một số nguyên nhân khác. Nước vào trong cơ thể chỉ tích ở tế bào chứ không tích ở mô để có thể chảy tràn lan ra ngoài được. Nguyên tắc đi vào cơ thể của nước trước hết phải qua mạch máu rồi mới đến tế bào chứ không phải con đường nào khác. Bản thân con lợn đã chết rồi thì nước không ngấm vào cơ thể được bao nhiêu.
Chỉ có trong trường hợp bơm vào gà, vịt là gian lận được vì gà, vịt có một lớp da bên ngoài cách thớ thịt bên trong một đoạn. Thường con gà chết thì da tóp lại. Người ta muốn da căng, màu đẹp thì thường dùng ống luồn vào phần đã bị cắt tiết để thổi cho căng lên. Người giết vịt muốn nhổ lông cho dễ cũng làm thủ thuật này. Khi cắt thịt ta thấy hơi bên trong con vật xì ra và giảm đi một phần trọng lượng so với khi mua.
– Tình trạng thịt bị nhuộm phẩm màu có gây độc hại không, thưa ông?
Để nhuộm màu thịt, người ta không dùng phẩm màu mà dùng Nitrat và Nitrit (chất bảo quản thực phẩm) bôi vào bề mặt thịt hoặc ngâm thịt. Các chất này sẽ ngấm vào thịt, biến máu đen thành máu đỏ và trông thịt sẽ tươi rói.
Nếu con người ăn nhiều Nitrat và Nitrit sẽ dẫn đến tử vong vì đây là một chất độc. Nó có thể phản ứng với axit amin có trong thịt tạo thành Nitrozamin gây ung thư. Nhưng cơ thể người luôn có cơ chế tự đào thải nên nếu ăn ít sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Chỉ khi vượt ngưỡng là từ 5mg/1kg thể trọng thì mới có thể gây nguy hại.
– Vậy những trường hợp nào về thực phẩm có thể gây bệnh cho con người?
Thứ nhất, thịt bảo quản không tốt, bị ôi, thiu… dẫn đến nhiễm khuẩn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Bản thân trong thịt không hề có khuẩn nhưng khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài như quá trình vận chuyển, thớt, dao, chợ,… thì bắt đầu bị nhiễm khuẩn. Thịt là môi trường rất dễ và nhanh nhiễm khuẩn vì giàu protein. Chỉ cần tính theo giờ thì lượng vi khuẩn có thể tăng lên gấp 2 – 3 lần, thậm chí hàng nghìn lần.
Thứ hai là nhiễm ký sinh trùng như giun, sán. Trường hợp dễ nhiễm ký sinh trùng nhất là động vật được chăn thả bên ngoài chuồng trại như gà chạy bộ, lợn mán, lợn mọi, trâu, bò thả rông,… Lúc này, ký sinh trùng rất dễ chui vào vòm họng của con vật và xâm nhập vào trong cơ thể của nó. Các thói quen như ăn tiết canh, gỏi, nem chua, các thực phẩm sống,… thường gây hại vì ký sinh trùng vẫn còn sống trong đó.
Thứ ba là dùng chất kích thích sinh trưởng hay tăng trọng như chất nạc hóa. Khi dùng các chất này, ít nhiều vẫn còn dư lượng trong thịt, đây chính là nguyên nhân gây hại cho con người. Những chất này nhiễm vào máu, vào gan, thận,… làm cho cơ thể phát triển không bình thường. Thông thường, chất kích thích sinh trưởng cho động vật nguy hiểm hơn thực vật.
Thứ tư là sử dụng chất kháng sinh để chữa bệnh cho con vật. Trên thực tế con người vẫn tiêm kháng sinh, uống kháng sinh để phòng và trị bệnh. Bản thân kháng sinh không gây độc, nhưng nếu con vật ăn kháng sinh thì trong thịt vẫn còn dư lượng đáng kể. Khi con người ăn thịt thì những dư lượng này cũng theo vào cơ thể bởi quá trình nấu chín có thể giết được vi sinh vật nhưng không thể làm hết các chất gây ra độc tố.
Mà trên thực tế, bên trong cơ thể người luôn tồn tại những vi sinh vật gây bệnh. Nếu cơ thể nạp quá nhiều dư lượng kháng sinh từ thịt động vật sẽ dẫn đến tình trạng các loài vi sinh vật này quen với kháng sinh. Cho nên khi cơ thể bị bệnh, ta uống kháng sinh hay thuốc vào thì chúng đã quen với thuốc rồi và dẫn đến nhờn thuốc. Vì vậy, con người có nguy cơ tử vong nếu bị bệnh mà không có kháng sinh thay thế phù hợp. Đấy mới chính là nguyên nhân chứ không phải ăn thịt vào là gây độc hại.
– Ông có lời khuyên nào về cách nhận biết thực phẩm sạch dành cho các bà nội trợ không, thưa ông?
Lâu nay người ta lợi dụng thị hiếu thích thực phẩm bắt mắt để đánh lừa giác quan của người tiêu dùng. Đó chính là nhược điểm lớn nhất của người tiêu dùng. Thực phẩm tốt, tươi ngon thực sự phải là thực phẩm phản ánh tính chất tự nhiên của chính nó. Nếu nó có màu đồng loạt đẹp hơn, trông mượt mà hơn đều không phải là tính chất tự nhiên. Chẳng hạn, cây cải không thể xanh mướt, non tơ, rau muống không thể vừa dài vừa non mơn mởn. Gà không thể vàng ruộm và căng mọng, thịt lợn không thể quá đỏ…
Để không bị mắc lừa, bà nội trợ cần nhận biết được mùi, màu và trạng thái tự nhiên của thực phẩm. Chẳng hạn, miếng thịt tự nhiên khi ta ấn vào sẽ không dính tay, còn đã dính tay thì bắt đầu tiết chất nhờn rồi. Thịt tươi phải có độ đàn hồi cao, màu phải tự nhiên chứ không thể là màu đỏ được. Con gà nếu cắt vào lớp da mà có lớp nhầy thì không phải gà tự nhiện,…
Chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện bổ ích này!
Tâm Trí
(Theo congluan.vn)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.