Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là thói quen của nhiều gia đình. Những đồ ăn thường được trữ đông như hải sản, thịt lợn, thịt bò. Tuy nhiên, việc trữ đông quá lâu không phải là thói quen tốt, thậm chí không đảm bảo chất lượng hay an toàn cho người sử dụng.
Gia đình anh Tâm (Hồng Mai, Hà Nội) thường mua thịt từ quê đưa lên thành phố để ăn dần giúp đảm bảo an toàn thực phẩm. Cứ mỗi tháng 1 lần, anh và vợ lại thay nhau về quê đưa hàng loạt đồ ăn như thịt lợn, thịt gà, trứng, rau xanh, bí hoặc bầu để làm lương thực dự trữ cho cả tháng. Trước đây, anh vẫn hay mua thịt lợn ở chợ cóc gần nhà nhưng do lo ngại thịt lợn chứa chất tạo nạc hay các loại cám tăng trọng nên gia đình anh chọn cách lấy thịt từ quê để trữ ăn trong 1-2 tuần.
“Tôi thường đưa thịt từ quê lên sau đó để 10-15 phút rồi cho ngay vào trong tủ lạnh mà không rửa ngay. Vì tôi sợ làm thế thì phần nước rửa sẽ bám lên trên bề mặt thịt khiến cho miếng thịt dễ thâm hoặc ủ lâu sẽ có mùi. Thường khi bắt đầu chế biến, tôi mới sơ chế sạch sau đó nấu chín để ăn”, anh Tâm nói.
Ngoài ra, gia đình anh Tâm còn trữ thịt, hải sản lên đến vài tháng nếu chưa có nhu cầu ăn. “Tôi thấy nhiều gia đình cũng thế nên nghĩ không sao. Trữ lâu ở nhiệt độ thấp thì vi khuẩn cũng khó phát triển”, anh Tâm nói.
Đừng tiếp tục thói quen sai
Bác sĩ Phương Hà (Chuyên khoa Chống độc) cho hay, việc trữ thực phẩm trong tủ lạnh là cần thiết với cuộc sống hiện đại khi mọi người đều bận rộn. Tuy nhiên, không phải cứ lưu trữ thực phẩm ở tủ đông trong thời gian dài vài ba tháng có thể yên tâm.
“Như cách làm của gia đình anh Tâm là không tốt. Bởi, thịt hay bất cứ thực phẩm nào trong quá trình giết mổ, bày bán đều có thể tiếp xúc với các vi khuẩn ngoài môi trường, thậm chí những vi khuẩn gây bệnh ở đường tiêu hóa. Khi mua thực phẩm về trữ thực phẩm cần phải rửa ở bề mặt ngoài để giảm bớt những vi khuẩn, chất bẩn tồn dư sau đó mới để ráo nước, rồi cho vào hộp đựng với túi bóng bọc ngoài hoặc dùng màng bọc thực phẩm”, bác sĩ Hà nói.
Theo bác sĩ Hà, rất nhiều gia đình trữ thịt, cá, hải sản chật kín cả ngăn tủ đông. Thậm chí có những món để triền miên từ tháng này sang tháng khác, thậm chí không ít người bảo quản nửa năm vẫn chưa chế biến như mực, tôm. Tuy nhiên, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Bởi trên thực tế, không có gì ngon bằng chế biến thực phẩm khi còn tươi sống. Còn nếu để thực phẩm lưu trữ quá dài, sau 3-4 ngày sẽ gây hại sức khỏe.
“Nhìn chung, không nên để thức ăn dù đã nấu chín hay chưa nấu chín quá 3 ngày trong tủ lạnh, kể cả các loại trái cây và rau củ tươi sống. Đối với thức ăn để trong tủ đông thì phần lớn không nên để quá 3 tháng. Tuy nhiên, thời hạn của thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh và tủ đông còn phụ thuộc vào mỗi loại thức ăn và điều kiện bảo quản chúng”, bác sĩ Hà nói.
Khi rã đông thực phẩm, nhiều người muốn nhanh nên chọn nước nóng nhưng đây lại là cách làm sai lầm. Nhiệt độ cao 80-90 độC trong nước sẽ giúp vi khuẩn phát triển nhanh. Thay vì dùng nước nóng, bạn có thể chọn rã đông thịt bằng cách ngâm trong nước lạnh, hoặc dùng lò vi sóng. Với lò vi sóng, bạn phải chế biến ngay hay để vào ngăn mát, nếu không vi khuẩn sẽ sinh sôi và phát triển nhanh chóng.
Một thói quen khác cũng sai lầm không kém là sau khi lấy một phần thịt đã rã đông rồi tiếp tục cho phần thịt còn lại vào trữ đông. “Đây là cách làm không nên, vì khi rã đông đã tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Nếu đưa vào ngăn lạnh sẽ càng làm cho số lượng vi khuẩn tăng lên”, bác sĩ Hà khuyên.
Vì vậy, ngay từ bây giờ mỗi gia đình cần thay đổi cách lưu trữ thực phẩm trong ngăn lạnh. Tuân thủ nguyên tắc bảo đảm vệ sinh an toàn, thực phẩm giúp đảm bảo sức khỏe cho gia đình.
Hiền Anh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.