Nhà chị làm tiệc mừng thọ 70 cho cha mẹ. Bữa ấy, cha và mẹ chị đều rất vui khi được con cháu và họ hàng chúc tụng. Chị hỏi cha mẹ còn ước nguyện gì không. Mẹ chị nói di chúc viết từ lâu, mồ mả đã sắp xếp xong, con cháu đứa nào cũng thành đạt, hiếu thảo, đời bà không còn ước nguyện gì nữa. Cha chị tần ngần một hồi rồi cũng nói không ước nguyện gì.
Tối đó, chị ngồi bên cha, lặp lại câu hỏi. Cha chị im lặng rất lâu, mãi ông mới kể. Năm 18 tuổi, cha yêu thầm một cô gái ở làng bên. Mỗi ngày đi học, cha đi vòng thật xa, cốt để qua ngõ nhà người ấy. Cha nhớ như in cô ấy hay mặc bộ áo dài lụa trắng, tóc dài tha thướt, đôi mắt to với hàng mi cong mượt. Cô ấy đi trước một quãng, cha tò tò theo sau. Dường như cô ấy cũng biết cha yêu thầm nên mỗi lần vô tình chạm phải án h mắt nhau, cô ấy đỏ bừng mặt, thẹn thò cúi đầu.
Thời đó trai gái yêu nhau rất trong sáng. Đứng với nhau một lát, trò chuyện đôi câu đã là chuyện động trời, nên cha yêu thầm người ta cả năm mà chưa dám làm quen. Hành động bạo gan nhất mà cha làm là viết một bức thư, giấu vào ngăn bàn chỗ cô ấy ngồi. Bức thư ấy nào phải thư tỏ tình gì đâu, chỉ là cha hỏi cô ấy “nhà bưởi nhiều trái quá, có bán không?”
Nghe tới đoạn này, chị phì cười: “Yêu người ta thì nói yêu. Cha tốn cả năm làm cái đuôi cho cô ấy, chỉ để hỏi một câu lãng nhách là sao?”. Cha cười, thời đó khờ dại lắm con ơi. Bởi vậy, hơn nửa thế kỷ mà cha vẫn canh cánh bên lòng, băn khoăn không biết hồi đó cô ấy có nhận được thư không, có yêu cha không; bao nhiêu năm nay trong lòng có nhớ cha như cha nhớ cô ấy không. Và giá như, ở tuổi gần đất xa trời này, cha một lần được gặp cô ấy. Chỉ là để kể cho cô ấy nghe những kỷ niệm ngây ngô ngày 18 tuổi, để biết bây giờ cô ấy sống có tốt không, có hạnh phúc không.
Ảnh mang tính minh họa
Câu chuyện của cha làm chị trằn trọc cả đêm. Dù cha nói rằng chỉ mong ước vu vơ vậy thôi. Già hết rồi, chuyện gì cũng không còn quan trọng nữa. Nhưng chị biết, nếu không được gặp lại người ấy, những lấn cấn trong lòng cha sẽ không sao gỡ bỏ.
Chị bàn với em trai, nhờ bà con ở quê tìm giúp người cũ của cha. Nhiều năm trước, mấy lần cha về quê, cố tìm người ấy, nhưng gia đình cô ấy chuyển đi đâu không rõ. Thời buổi phương tiện liên lạc hiện đại, chị tin nhất định có cách tìm ra.
Nghe hai chị em xầm xì, mẹ hỏi chuyện gì. Sau khi biết nguyên cớ, mẹ giận đùng đùng: “Bao nhiêu năm nay mẹ chăm sóc, nâng niu ổng còn chưa đủ, sao vẫn nhớ cái người xa lắc xa lơ, lãng xẹt. Mẹ có lỗi gì?”. Mẹ giận lây cả chị em chị vì đã làm chuyện tầm xàm, “nối giáo cho giặc”.
Cơn giận của mẹ, chị hiểu lắm. Bao nhiêu năm mẹ lặng lẽ đi bên cạnh cha. Làm trụ cột trong nhà, cha chỉ có nhiệm vụ mỗi tháng mang lương về đầy đủ. Những thiếu thốn đói no, đau ốm, học hành, phải quấy với họ hàng… một mình mẹ xoay tứ bề. Gần cuối đường nhìn lại, mẹ tự hào khi tạo được nhà cửa khang trang, con cái học hành thành đạt. Cha không nói ra, nhưng mang ơn mẹ đã choàng tay che chắn để cả nhà bình yên vượt qua những ngày giông bão ngả nghiêng.
Điều mẹ bất ngờ là, trong cha bấy lâu vẫn tồn tại hình bóng một người chưa từng mua cho cha viên thuốc, nấu chén cháo, thu dọn “chiến trường” sau những lần cha liều lĩnh chứng tỏ bản thân… Chị cố nói với mẹ, cha không quên được người ấy không có nghĩa là không yêu mẹ. Ánh bình minh rực rỡ trong mắt chàng thanh niên năm 18 tuổi chỉ là những ám ảnh khôn nguôi. Ai cũng có quá khứ, có kỷ niệm. Biết đâu rằng khi gặp nhau rồi, cha mới thuộc lòng bài học lãng quên. Và chấp nhận sự thật: bình minh nào rồi cũng tàn để nhường chỗ cho ngày mới đến.
Mỗi ngày thấy cha lặng lẽ thở dài, ngó mông lung ra cửa. Dù biết không hẳn cha đang nghĩ đến người ấy, lòng dạ chị vẫn xốn xang. Người già hay hoài niệm, lục tìm ký ức để rồi khắc khoải nhớ mong vu vơ… Chuyện tình của cha, với người khác có thể là vu vơ thôi, nhưng với cha, chị biết đã trở thành nỗi ám ảnh, vì cha vốn kiệm lời và sống khép kín. Nhìn cha, chị ray rứt.
Chị an ủi mẹ, “Người ấy giờ cũng xấp xỉ 70. Biết người ta có chịu gặp cha không. Chỉ cần biết được hoàn cảnh của bà ấy, chụp vài tấm ảnh mang về để cha thỏa ước nguyện. Con tin cha sẽ càng cảm kích mẹ”.
Một sáng, bỗng dưng mẹ nói: “Chị em con cố tìm cho được bà ấy. Tìm được thì sắp xếp cho cha về quê một chuyến, giúp cha hoàn thành tâm nguyện. Mẹ vì cha con cả một đời, chuyện nhỏ này, tính toán làm chi”. Chị ôm mẹ, miệng cười mà nước mắt rưng rưng. Chút chộn rộn ở tuổi xế chiều, rốt cuộc cũng là mẹ thu dọn giúp cha.
Nguồn: Theo Phụ Nữ Online
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.