Thư gửi cô dâu mới: Bí kíp “làm bạn” với mẹ chồng

Thư gửi cô dâu mới: Bí kíp
Đừng vội cau mày khi em đọc thấy từ “làm bạn” với người (thường) có quyền năng tối thượng trong gia đình mới của em nhé. Khái niệm “làm bạn” tôi dùng ở đây chỉ có ý nghĩa là thái độ chia sẻ, gần gũi, thân tình chứ nhất nhất không có ý kéo “tượng mới tô” bằng vai phải lứa với “bồ đựng chửi” đâu (em nhớ đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng nhé!)
Tôi biết có nhiều cô dâu mới đeo kính hồng mơ mộng “làm con gái” của mẹ chồng, nhưng thực tế cho thấy số thành công ít lắm mà số “vỡ mộng” thì lại quá nhiều. Thế nên, để chắc ăn và an toàn, tôi chỉ khuyên em học cách “làm bạn” với mẹ chồng thôi. Và để làm được điều đó, em phải nhớ 5 nguyên tắc sau:
1. Bỏ qua định kiến, yêu quý mẹ chồng thật lòng
Dù các nhà tâm lý học đã gọi mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu là “tiền kiếp và truyền kiếp” thì lời khuyên đầu tiên với em vẫn là cần gạt bỏ định kiến “mẹ chồng cay nghiệt”, “mẹ chồng khắt khe”,… đi. Mẹ chồng ở thế kỷ 21 phần nhiều là trẻ trung, có học, văn minh nên cái sự “cay nghiệt”, “soi mói” nếu có cũng đã khác rất nhiều những gì sách vở, báo chí mô tả. Hãy xóa bỏ thành kiến, yêu qúy bà một cách chân thành, không những mẹ chồng em thấy vui vẻ, dễ chịu mà chồng em cũng biết ơn em lắm lắm.
2. Quan tâm tới những sở thích, thói quen của mẹ chồng
Những món quà nho nhỏ, không nhất thiết phải đắt tiền (như một cái khăn quàng, một cái dù (ô) che mưa nắng, một cuốn sách hay,…) nhân dịp sinh nhật bà, kỷ niệm ngày cưới của bà hay khi em đi công tác về sẽ luôn khiến mẹ chồng vui. Và bà sẽ cực kỳ cảm động nếu nhận được một bó hoa chúc mừng trong ngày sinh nhật của chồng em đấy. Con người nói chung, ai cũng thích nhận được sự quan tâm từ người khác, và mẹ chồng em sẽ rất xúc động nếu nhận được điều đó từ em – một cô con dâu. Và khi bà vui, bà chả có lý do gì để “làm khó” em cả!

Chẳng bà mẹ chồng nào lại ghét bỏ một cô con dâu biết chăm lo, vun vén gia đình lại còn tốt tính.

3. Chuyện trò sau bữa ăn
Nếu em ở chung, sau bữa tối, đừng vội vã về phòng riêng ôm ấp “thằng bé” của bà. Hãy nán lại chia sẻ với bà những câu chuyện tầm phào, xem cùng bà một bộ phim, một chương trình TV bà yêu thích, hay hỏi về thời thơ ấu của anh xã… Nếu vợ chồng em ở riêng, và khoảng cách giữa hai nhà không quá xa thì hãy tranh thủ buổi tối hoặc ngày cuối tuần về ăn uống và trò chuyện cùng bà. Điều này vô cùng quan trọng trong giai đoạn đầu, bởi dẫu có chuẩn bị trước cả năm thì bà vẫn bị “hẫng” khi “cục cưng” của bà có người phụ nữ khác. Thường xuyên chuyện trò, chia sẻ với mẹ chồng là những cách tuyệt vời để em “ghi điểm” đấy, cô dâu mới ạ!
4. Chia sẻ ngày nghỉ với bà
Ngày nghỉ, đương nhiên em thích “lượn” cùng chồng rồi, nhưng thi thoảng cũng nên chia sẻ khoảng thời gian rảnh rỗi với mẹ chồng để  tăng “tình thương mến thương” giữa đôi bên. Cùng bà đi siêu thị mua sắm đồ gia dụng, nhờ bà hướng dẫn cách nấu một món “tủ” của bà, hay mua vé mời bà đi xem một bộ phim mới công chiếu, một vở kịch kinh điển vừa được dàn dựng lại… là những gợi ý không tồi đâu nhé!
5. Hào phóng lời khen
Lý tưởng nhất là em nên khen mẹ chồng mọi nơi, mọi lúc. Có thiếu gì lí do để khen, từ chuyện bà nấu ăn ngon, trồng cây, nuôi thú mát tay, đến gu thẩm mỹ tinh tế… Còn nếu em không quen với việc khen ngợi (mà nhiều người hay đồng nhất với nịnh nọt), hoặc chưa tìm thấy điểm tốt nào để khen thì tốt nhất hãy im lặng và tuyệt đối tránh “buôn” xấu về bà với họ hàng, hàng xóm, chị em dâu, người giúp việc… Lời nói gió không bay mà còn có thể đem đến cho em những điều tai hại sau đó, thế nên trong trường hợp này hãy nhớ “im lặng là vàng”, em nhé!

 

Mong quá trình “làm bạn với mẹ chồng” của em thật suôn sẻ, vui vẻ và chúc em có một người “bạn mới” thật dễ chịu!
Thân ái,
Một cô dâu cũ