Có một bộ phim 3D nổi tiếng – “Bí kíp luyện rồng”, nhưng tôi không viết nhầm và em cũng không đọc nhầm đâu. Bởi rồng thì chỉ có trong phim giả tưởng, còn chồng – là cái gã đàn ông đang (hoặc sẽ) chung sống hằng ngày với em – thường rất lười làm việc nhà, thường xuyên quên tắm gội… nên em cần phải ra tay “huấn luyện” mới mong có một “sản phẩm” đủ siêng năng, sạch sẽ để “dùng”!
Tiền nhân nói: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên” chả sai tí nào đâu. Gã đàn ông được gọi là chồng em “hiền” hay “dữ”, vô tâm hay chu đáo, sạch sẽ hay quán quân “vô địch bẩn quốc gia”… phần nhiều là do tay nghề “huấn luyện” của em khi anh ta rơi vào tay em mà thôi. Đừng trông mong gì ở nhà trường hay gia đình (vì mẹ chồng em có khi đã làm hỏng anh ta từ bé khi chăm sóc “cục cưng” đến tận răng rồi, còn nhà trường thì chỉ lo nhồi nhét kiến thức chứ tịnh chả có giờ nào dạy kỹ năng sống đâu). Cũng giống như chữa bệnh, việc “luyện chồng” (thực chất cũng là chữa những sai lầm trong phương cách giáo dục mà anh ta tiếp nhận từ khi sinh ra đến khi thành chồng của em) nên thực hiện càng sớm càng tốt thì mới mong có kết quả khả quan. Em nên tiến hành ngay từ khi lên kế hoạch kết hôn với đối phương, cùng lắm là ra tay lúc anh chàng vừa “lơ ngơ” bước chân vào cuộc sống gia đình mới mong có được một ông chồng biết chia sẻ việc nhà, có trách nhiệm trong việc nuôi dạy con. Và bây giờ thì em hãy xắn tay áo lên, bắt đầu công việc “luyện chồng” bằng những bí kíp bỏ túi sau:
Bí kíp 1: “Tẩy não”- việc nhà không của riêng phụ nữ
Hầu hết đàn ông đều thích làm việc “đại sự”, bàn chuyện “vĩ mô” và mặc định rằng việc nhà – việc vặt – là dành riêng cho phụ nữ. (Mà nói thật nhé, nếu anh nào không nghĩ thế, cứ chăm chăm đi chợ, nấu cơm, nhà lau bóng loáng thì có khi chị em ta cũng chả dại mà rước về nhà, vì thế nào cũng lăn tăn là đối phương hơi ít… nam tính(!?), chưa kể biết đâu vớ phải đối tượng “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành” thì thậm nguy! Thế nên đa phần các anh chàng trước khi lấy vợ thường chả biết làm việc nhà, và cũng sẽ muôn đời không biết làm nếu không được… vợ dạy! Nếu em không chấp nhận làm osin suốt đời cho anh ta thì hãy “nổi dậy” ngay từ bây giờ. Hãy “tẩy não” cho chàng rằng em cũng phải đi làm kiếm tiền 8 giờ mỗi ngày chả khác gì chàng, em lại yếu ớt hơn (về mặt thể chất), chả có cớ gì mà hết giờ làm em lại phải gánh vác toàn bộ việc nhà còn chàng nằm khểnh lướt net hay xem tivi chờ cơm. Mà khi em bận, em mệt, em stress thì em sẽ sinh ra cáu bẳn, anh ta cũng sẽ chẳng được vui vẻ, dễ chịu gì. Hãy cho chàng hiểu rằng việc chàng phơi quần áo, rửa bát hay lau nhà chẳng làm chàng bớt “nam tính” đi mà ngược lại đó là một hành động rất “nhân văn”, một quan điểm sống rất hiện đại… trong thời đại này. (Hãy nhớ dùng những lời lẽ thuyết phục với thái độ thật chân thành, mưa dầm thấm lâu, đảm bảo chồng em sẽ dần bị lung lạc ý chí và ngoan ngoãn phục tùng thôi!)
Đa phần các anh chàng trước khi lấy vợ thường chả biết làm việc nhà, và cũng sẽ muôn đời không biết làm nếu không được… vợ dạy!
Bí kíp 2: Cầm tay chỉ việc – kiên trì và nhẫn nại
Đàn ông chẳng giỏi đoán ý mà đàn bà lại chúa hay vòng vo nên mâu thuẫn cứ chất chồng, giận dỗi cứ triền miên là thế. Muốn chồng làm việc gì, em hãy yêu cầu cụ thể, chỉ dẫn rõ ràng, thậm chí là phải làm mẫu. Hãy nhẹ nhàng đề nghị “Anh lau tivi đi nhé!” chứ không phải khi chồng hỏi “trên ti vi có gì?” thì bảo “có rất nhiều bụi”. Cái kiểu bóng gió nhấm nhẳng ấy chỉ dễ cãi nhau chứ chẳng đạt được mục đích gì đâu. Hãy chỉ cho chàng chai nào là nước rửa bát, chai nào là nước rửa tay… nếu em không muốn bữa sau phải ăn bát đũa rửa bằng nước rửa tay, thậm chí là nước tẩy bồn cầu (!)… Luyện chồng làm việc nhà có nghĩa là em phải dễ tính và kiên nhẫn hơn. Chẳng ai làm một lần đã giỏi, nên hôm qua chàng nấu cơm nát, hôm nay cơm lại “khô không khốc” thì hãy vui vẻ nuôi hy vọng rất có thể ngày mai em sẽ được ăn cơm ngon. Hãy cho chàng cơ hội thử các công việc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, đừng làm ngược lại, tỷ lệ thất bại càng cao sẽ càng khiến chồng em nản, bỏ cuộc và kế hoạch của em sẽ phá sản nhanh chóng.
Bí kíp 3: Mật ngọt chết ruồi – chê ít khen nhiều
Để “luyện chồng” thành công, trước tiên em cần phải “luyện mình” bớt cầu toàn, hạn chế chỉ trích và hào phóng lời khen. Đừng tưởng chỉ đàn bà mới “yêu bằng tai”, đàn ông cũng chúa thích ngọt ngào, vì thế những lời thủ thỉ tỉ tê: “Anh ơi phơi quần áo giúp em”, “Anh à, cắm giúp em nồi cơm”,… sẽ hiệu quả hơn vạn lần mệnh lệnh thức: “Anh rửa bát đi nhé!” Khi chàng có lỡ nêm canh mặn chát, rửa bát làm dây nước ra sàn… em đừng nhăn nhó cằn nhằn mà hãy nhẹ nhàng giải quyết sự cố (thêm nước vào canh, lấy chổi lau sàn…) và giảng giải cho anh ta biết nguyên nhân để “sửa sai”. Khi chàng làm tốt (thậm chí là gần tốt) việc gì, em đừng tiếc lời khen ngợi, động viên để chàng thêm hứng thú. Đôi khi em cũng nên “cầm tinh con giả vờ” vụng về nấu một món nào đó (như rang cơm hay làm trứng ốp-la…) dở hơn chàng nấu để chồng em có cơ hội biến nó thành “món tủ” của mình, chàng sẽ siêng năng vào bếp hơn. Bản chất đàn ông là hiếu thắng, em hãy giúp chàng tìm thấy “chiến công” ngay trong việc gia đình, chàng sẽ cúc cung tận tụy phục tùng em vô điều kiện!
Đừng tưởng chỉ đàn bà mới “yêu bằng tai”, đàn ông cũng chúa thích ngọt ngào.
Bí kíp 4: Phân chia rõ ràng – chia sẻ chứ không chuyển giao
Sẽ thật khó khăn (và khó coi) nếu ngày nào em cũng dụ chồng rửa bát để em nằm khểnh xem phim, dụ chồng lau nhà trong lúc em ngồi sơn sửa móng… Trừ phi chồng em thuộc tuýp “đội vợ lên đầu”, còn không anh ta sẽ “phản kháng”. Để duy trì mối quan hệ “bình đẳng” lâu dài trong hôn nhân thì em cần chia sẻ việc nhà với chồng chứ không chuyển giao toàn bộ sang vai chàng. Hãy phân chia công việc rõ ràng, ví dụ khi vợ nấu cơm, chồng sẽ tưới cây, khi vợ rửa bát chồng sẽ dọn bàn ăn, vợ giặt quần áo thì chồng sẽ phơi và gấp, chồng hút bụi thì vợ sẽ lau nhà…. Cứ dần dần tạo thành nếp như thế, khi có con em sẽ dễ dàng dụ chồng vào việc chăm và dạy con tốt hơn. Hãy cho chồng em thấy chẳng có việc gì là không làm được nếu ta chịu làm và chịu khó học hỏi thêm.
Vì công việc “luyện chồng” chứa đầy may rủi (nếu em không nắm chắc các bí kíp) và cần sự hỗ trợ của thời gian nên rất có thể nhất thời em thất bại. Kể cả có như thế thì em cũng đừng nản chí, buông tay, ôm mối hậm hực trong lòng. Hãy tỉnh táo tìm ra sai lầm, sửa sai và kiên nhẫn “luyện” tiếp, chắc chắn đến một ngày nếu không có một “sản phẩm” như ý thì em cũng vẫn có thể “dùng được” mà không đến nỗi phải “bỏ đi”!