Ai (đã từng qua cửa ải hôn nhân) cũng hiểu lý tưởng nhất là sống riêng, khi em một mình một cõi “luyện chồng” cho ra tấm ra món, được toàn quyền nuôi dạy “F1” theo kiểu Mỹ hay kiểu Nhật, được nằm ườn trên sofa (lúc ươn người) trong khi chồng cặm cụi rửa bát, được thỏa thích mời bạn bè đến nhà đàn đúm cuối tuần, được thay tivi hay sofa theo mốt… Ai (đã từng “kinh qua” nếp tam, tứ đại đồng đường quây quần) cũng biết sống chung là phức tạp, chồng em sẽ ít có cơ hội “trưởng thành” vì bị bao bọc quá kỹ, em có muốn cho con ăn theo sách cũng phải đoán ý bà nội cháu, em có buồn ngủ rũ mắt vẫn phải dậy đi chợ, em muốn thanh lý bộ ấm chén phần thưởng “chiến sĩ thi đua” từ năm một nghìn chín trăm tám mươi mấy (cho gọn nhà) cũng phải dè dặt xin ý kiến và muốn tụ tập bạn bè thì “thôi hẹn nhau ở quán nào đó đi, nhà tớ đông người bất tiện lắm!”…
Nhưng trong cuộc sống không phải lúc nào ta cũng được chọn làm theo những gì mình thích hay muốn. Nhất là khi em quyết định gắn bó với người đàn ông (mà em đã hay sẽ) gọi là chồng, ít nhiều cuộc sống của em cũng không còn là của riêng em nữa. Em sẽ không được chọn sống riêng khi bố mẹ anh ấy (và cả anh ấy) không muốn thế. Em cũng chẳng được nếm mùi “độc lập, tự do” khi điều kiện tài chính không cho phép em mua nhà (hay thuê nhà ở tạm). Ngược lại, em cũng sẽ chẳng thấy sống riêng là “thiên đường” khi chồng đi công tác xa nhà triền miên, con nhỏ nay ốm mai đau, giúp việc thì 10 ngày thay đến 5 người mà vẫn chưa vừa ý, trong khi ông bà nội lại mới nghỉ hưu, khỏe mạnh và đầy thiện ý giúp đỡ… Nói tóm lại, sống riêng hay sống chung đôi khi không phải do em hay chỉ mình em quyết định được mà rất nhiều khi là do “hoàn cảnh đưa đẩy”.
Vậy nên nếu “hoàn cảnh đưa đẩy” em không được sống riêng theo ý mình thì những “bí kíp” bỏ túi sau đây sẽ giúp em sống chung hòa thuận với những người rồi sẽ thành thân thuộc với em:
Nếu có bí kíp thì việc sống chung với nhà chồng hoàn toàn không đáng sợ. (Ảnh minh họa)
Bí kíp 1: Hỏi ý kiến trước khi làm
Nếu em muốn lắp thêm cái điều hoà nhiệt độ hay đổi cái tivi ở phòng khách (bằng tiền của vợ chồng em) thì hãy hỏi ý kiến và chỉ nên làm khi có được sự đồng thuận của bố mẹ chồng. Nếu các cụ chưa đồng ý thì chờ cơ hội để thuyết phục thêm chứ đừng khăng khăng làm mọi việc theo ý mình. Tương tự thế, dù em có muốn thanh lý hết cái kho đồ cũ cho gọn nhà thì cũng phải “xin ý kiến” song thân, đừng có tự ý gọi cô hàng đồng nát vào hùng hục dọn sạch nhân ngày các cụ về quê hay đi nghỉ mát, rất có thể em sẽ mắc sai lầm không sửa chữa được khi đó là những món đồ gia bảo hay “chứa đầy kỷ niệm” của các cụ. Em hẳn cũng còn nhớ câu chuyện người đàn ông cho bố mình ăn cơm trong cái bát sứt mẻ và cậu con nhỏ của ông ta cũng giữ lại một cái bát xấu xí như thế để dành cho bố sau này. Nếu em không tôn trọng và cư xử đúng mực với những bậc sinh thành ra chồng em thì chắc chắn em sẽ để lại một tấm gương xấu cho con cái sau này.
Bí kíp 2: Bớt cái “tôi”, tăng cái “chúng ta”
Em không thể cứ bật nhạc rock chói tai khi bố chồng em khó ngủ. Nếu mẹ chồng em “dị ứng” với thức ăn chế biến sẵn thì đừng liên tục “tra tấn” bà bằng những món đồ ăn nhanh mua ngoài hàng. Sống chung trong một gia đình nhiều người thì mỗi người đều phải bớt cái “tôi” của mình đi để tăng lên cái “chúng ta”. Sống chung cũng đồng nghĩa với việc em phải “nhìn trước ngó sau” mỗi khi làm việc gì đó. Đừng có vô tư diện váy ngủ hay quần short áo hai dây ngắn cũn ở phòng khách hay phòng ăn, những món đồ gợi cảm ấy chỉ thích hợp trong phòng ngủ, nơi chỉ có riêng em với chồng mà thôi, đừng khiến các cụ phải “ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái”.
Bí kíp 3: Chân thành, cầu thị và cởi mở
Em có thể đóng kịch một ngày, một tuần chứ không thể “diễn” cả năm, cả đời. Sự chân thành không bao giờ “lỗi mốt” trong cuộc sống nói chung và trong cuộc sống gia đình nói riêng. Em hãy sống đúng với bản chất của mình và không ngừng hoàn thiện bản thân. Nếu em rán nem có hơi quá lửa mà mẹ chồng có góp ý thì cũng đừng “mặt sưng mày sỉa” với bà, hãy tiếp thu và rút kinh nghiệm. Nếu có điều gì bức xúc thì cũng nên lựa lúc thích hợp để trao đổi thẳng thắn, nhẹ nhàng và tìm ra giải pháp phù hợp chứ đừng khư khư ôm mối hận trong lòng, sẽ chỉ mau tổn thọ.
Bí kíp 4: Thống nhất cách nuôi dạy con trẻ
Rất nhiều gia đình chỉ thực sự phát sinh mâu thuẫn khi thiên thần nhỏ ra đời, khi mà quan điểm và kinh nghiệm truyền thống sẽ va đập nảy lửa với sách vở, kiến thức hiện đại, hai bên không tìm được tiếng nói chung trong việc nuôi dạy đứa trẻ. Nếu muốn cho con ăn dặm kiểu Nhật hay kiểu Đức, em phải trao đổi thẳng thắn, phân tích, so sánh ưu, nhược điểm (so với kiểu ăn dặm truyền thống) rõ ràng với ông bà. Nếu em muốn rèn tính tự lập cho cậu con trai 2 tuổi thì cũng phải “thông báo” với ông bà, cô, chú của bé không nên xúc cơm, lấy giầy hay làm giúp bé những việc mà bé đã có thể tự làm. Tương tự thế, nếu em muốn dạy con ngoan ngoãn, có kỉ luật thì cũng phải “có nhời” trước rằng ông bà đừng có bênh bé khi em đang phạt bé. Thiếu nhất quán trong cách nuôi dạy trẻ là quả bom tấn phá hỏng bầu không khí hoà thuận trong gia đình. Và sống trong một gia đình mà “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” không chóng thì chầy con em sẽ thành những đứa trẻ hỗn hào, khó bảo.
Nói tóm lại, sống riêng không hẳn lúc nào cũng là thiên đường (nếu điều kiện tài chính của em không dư dả, nếu em có con nhỏ mà lại chẳng được chồng ghé vai san sẻ việc nhà…) và sống chung cũng không hẳn là “địa ngục” trần gian nếu em tự chủ về tài chính cũng như biết cách sắp xếp hài hòa mọi việc. Mong em có những chuẩn bị thật tốt để cuộc sống chung bớt nặng nề và đơn giản hơn!
Một cô dâu cũ,
Ngân Huyền