Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) đã chọn sa mạc Atacama ở Chile làm nơi thử nghiệm chiếc xe robot tự hành, dự kiến sẽ đưa lên thăm dò sao Hỏa.
Sa mạc Atacama rất khô cằn, không có sự sống với địa hình cát, rải rác là các tảng đá rất giống với môi trường sao Hỏa. Vì vậy ESA cho rằng đây là nơi khá lý tưởng để kiểm tra xe robot tự hành ExoMars. Các bài kiểm tra liên quan đến việc chuyển hướng, điều khiển từ xa và cách mà ExoMars sử dụng các thiết bị khoa học. Mục đích là qua kinh nghiệm thực tế sẽ phát triển tiếp công nghệ tốt hơn. Dự kiến ExoMars sẽ được ESA đưa lên sao Hỏa vào năm 2018.
ExoMars là một chương trình có sự tham gia của nhiều tàu vũ trụ nhằm mục đích tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa mà thành phần rất quan trọng là robot tự hành ExoMars. Trước đây, vào năm 2003 ESA cũng đã từng đưa gói thiết bị khoa học tĩnh có tên gọi Beagle 2 lên sao Hỏa nhưng kết quả thu về chẳng được bao nhiêu so với robot tự hành mà Cơ quan NASA của Mỹ quản lý.
Trong sứ mệnh thử nghiệm kéo dài 5 ngày, ESA sẽ gửi một robot tự hành có biệt danh là “Bridget” đến sa mạc Atacama. Đó là một cỗ xe 6 bánh được trang bị đường truyền vệ tinh kết nối với trung tâm điều khiển từ xa RCC tại Harwell, Oxfordshire, Anh. Bên cạnh đó, một đội ngũ nhà khoa học sẽ thử nghiệm những bài kiểm tra riêng để xem thử robot có hoạt động tốt như trong môi trường sao Hỏa.
Theo tạp chí Gizmag thì Bridget được trang bị 3 công cụ khoa học quan trọng nhất là camera stereo thu hình toàn cảnh rồi chuyển nó thành hình ảnh 3D, một radar để xem xét bề mặt dưới đất và một màn hình cận cảnh với độ phân giải 1/1000mm. Bên cạnh đó, robot tự hành còn có khả năng khoan xuống bên dưới mặt đất để thu thập mẫu.
Theo Thanh Niên