Dùng máy cộng hưởng từ nghiên cứu các hoạt động của bộ não, các nhà khoa học có thể đọc được suy nghĩ của con người.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon, bang Pennsylvania, Mỹ phát triển một thuật toán có thể giải mã suy nghĩ của con người nhờ sử dụng ảnh chụp não bằng máy cộng hưởng từ, Popular Mechanic ngày 27/6 đưa tin. Thuật toán giúp các nhà nghiên cứu hiểu cách bộ não hoạt động và hình thành các chủ đề phức tạp.
Một người được chụp ảnh não. (Ảnh minh họa: Guardian).
Bộ não có thể tạo nên những suy nghĩ từ đơn giản đến vô cùng phức tạp. Những suy nghĩ phức tạp sẽ được bộ não chia thành cách đoạn nhỏ, mỗi đoạn tương ứng một khía cạnh của suy nghĩ.
Bộ não sử dụng một “bảng chữ cái” khoảng 42 thành tố, trong đó mỗi thành tố ứng với một khái niệm cụ thể như kích thước, màu sắc hay địa điểm. Khi kết hợp các thành tố, bộ não tạo nên những suy nghĩ phức tạp.
Mỗi một “ký tự” trong bảng chữ cái của bộ não được một phần trên não quản lý. Theo nguyên tắc này, khi dùng máy cộng hưởng từ để nghiên cứu hoạt động của bộ não, các nhà khoa học có thể xác định một người đang suy nghĩ điều gì.
Cách bộ não hoạt động. (Đồ họa: National Geographic).
Thuật toán mới sử dụng hình ảnh chụp cộng hưởng từ để hiểu suy nghĩ tương ứng sinh ra trong bộ não, sau đó dự đoán một suy nghĩ trong ảnh chụp cộng hưởng từ sẽ có hình dạng như thế nào. Thuật toán đạt độ chính xác 87% trong nghiên cứu.
Công nghệ này không được sử dụng để bí mật đọc suy nghĩ của con người nhưng đủ sức làm phấn khích các nhà thần kinh học. Nghiên cứu hướng đến việc giải thích cách con người suy nghĩ, từ đó giải quyết được một trong nhiều bí ẩn của trí não con người.
Theo VnExpress