Thực hư việc bùn khoáng chữa bách bệnh

Thực hư việc bùn khoáng chữa bách bệnh
Khỏi bệnh, làm đẹp nhờ bùn
Từ nhiều thế kỷ trước, người Ai Cập cổ đại đã biết dùng bùn thoa lên người để chữa các vết thương. Còn người La Mã, Đông Âu lại dùng bùn như một liệu pháp làm đẹp và tăng sự dẻo dai cho cơ thể. Ngày nay, tại các spa, resort ở Việt Nam, bùn khoáng được xem như “thần dược” cho sắc đẹp, đồng thời cũng là liệu pháp chữa được nhiều bệnh cho con người.
Cập nhật thông tin mới về tác dụng chữa bệnh, làm đẹp từ bùn khoáng, rất nhiều chị em phụ nữ tìm mua, hoặc đến cơ sở dịch vụ để chữa bệnh ngoài da và làm đẹp. Lan Anh (Hải Phòng) cũng vậy. Đám mụn đầu đen trên mũi cộng thêm mấy cái mụn bọc khiến chị “ăn không ngon, ngủ không yên” vì nỗi lo nhan sắc. Lên một diễn đàn bàn về cách làm đẹp, chị được biết tới bùn khoáng.
Sau vài lần “điều trị”, chị đã tự tin quay lại diễn đàn để chia sẻ với mọi người: “Đối với mụn bọc, mụn trứng cá, mụn đầu đen… bạn hãy chấm bùn khoáng lên mụn, vùng bị mụn rồi để khô sau đó rửa mặt sạch bằng nước ấm. Mình đã làm và giờ da mình lại “hồi xuân” rồi”.
Thực hư việc bùn khoáng chữa bách bệnh
Mặc bộ đồ dạ hội màu đen khoe làn da trắng hồng, mịn màng, chị Chi (Cầu Giấy, Hà Nội) khoe: “Mình đã đầu tư đi spa tắm bùn khoáng!”. Chị cho biết: “Những nếp nhăn nhỏ xuất hiện nhiều trên da làm mình già đi vài tuổi và thiếu tự tin lắm. Được chị chồng rủ đi tắm bùn, da mình đẹp lên thấy rõ”.
Anh Thắng (một Việt Kiều Pháp) thì nhắc tới bùn khoáng như một vị “ân nhân” vì đã giúp anh hoàn toàn chia tay với căn bệnh viêm đa khớp đã hành hạ nhiều năm nay. Anh tâm sự: “Tôi đã đi chữa ở rất nhiều nơi nhưng không khỏi. Trong một lần về Việt Nam, tôi được các bác sĩ Bệnh viện Việt Pháp (Tp.HCM) khuyên nên đi tắm bùn khoáng để chữa bệnh. Nghe nhiều người mách bảo, tôi tìm đến Trung tâm suối khoáng nóng Tháp Bà, Nha Trang. Từ đó, mỗi lần về nước, tôi lại tranh thủ đi tắm bùn và giờ đây bệnh của anh đã thuyên giảm đi nhiều.
Thiên nhiên “sản xuất” bùn khoáng
Bùn khoáng được hình thành do biến đổi của địa chất, có nguồn gốc từ thực vật, hoặc đất đai, sinh ra do biến đổi sinh học của các chất hữu cơ, vô cơ. Bùn thường được khai thác ở mỏ, ở suối, ở biển hoặc cửa sông.  
Bùn khoáng sử dụng trong điều trị được chia ra làm 2 nhóm chính:
– Nhóm thứ nhất sinh ra từ quá trình trầm tích (cặn lắng chữa bệnh) từ những chất hữu cơ, vô cơ hay do sự phát triển của những vi thể có các chất: estrogen, progesteron, carbonat, sulfat… Thường là những chất có liên quan đến nguồn nước. Đây là nhóm thường gặp và được sử dụng nhiều nhất.
– Nhóm thứ hai sinh ra từ quá trình tan rã của đá (đất chữa bệnh). Nhóm này chủ yếu gồm các nguyên tố vô cơ có nguồn gốc khoáng chất.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong bùn khoáng có nhiều ion, nhiều muối khoáng, nhiều yếu tố vi lượng như clo, calci, magiê, sắt, carbone, lưu huỳnh… Các chất này rất tốt để chăm sóc sức khỏe thể chất, giúp tinh thần sảng khoái. Nhờ đó, bùn khoáng tạo nên kích thích tận cùng thần kinh ở da rồi thông qua các trung khu dưới não và vỏ não tạo nên sự thay đổi phản ứng có tính chất toàn thân. Các loại bùn nói chung đều có tính chất giữ nhiệt trong thời gian dài hơn so với lượng nước có cùng nhiệt độ. Bùn còn có khả nǎng giữ nước, nhất là các loại bùn có chất hữu cơ từ nguồn gốc thực vật.
Thực hư việc bùn khoáng chữa bách bệnh
Tác dụng làm đẹp của bùn là nhờ vào các hạt do chất khoáng tạo thành. Độ khuếch tán càng lớn thì độ dẻo dính càng nhiều và bùn càng bám chặt vào da, chui vào các lỗ lồi lõm không đều, các rãnh của da và làm cho da phẳng mịn hơn.
Nhờ đó, liệu pháp bùn khoáng được chỉ định để điều trị một số bệnh viêm khớp dạng thấp, đặc biệt bộ máy vận động, bệnh của hệ thần kinh ngoại biên, tình trạng viêm mạn tính hệ sinh dục và một số bệnh ngoài da (vẩy nến…).
Bùn khoáng không phải thần dược
Bùn khoáng có tác dụng rất tốt cho sức khỏe nhưng cần nhớ đó không phải thần dược có thể chữa bách bệnh. Chúng ta có thể kết hợp sử dụng bùn khoáng với các bài thuốc cổ truyền để điều trị chấn thương cơ, xương, khớp trong thể thao nhưng cần sử dụng đúng giai đoạn mới hiệu quả.
Tuỳ thuộc vào bùn khoáng ở vị trí địa lý (tỉnh nào, nước nào) mà thành phần và hàm lượng các yếu tố hoá học trong đó có thay đổi ít nhiều, nên có tác dụng khác nhau.
Với những chấn thương cơ xương khớp cấp tính, bệnh nhân không nên tự ý ngâm bùn khoáng để chữa mà phải đến gặp ngay bác sĩ để được khám và điều trị. Ở giai đoạn mạn tính hoặc giai đoạn phục hồi, cùng với việc uống thuốc có thể kết hợp ngâm, đắp bùn khoáng để các chức năng của cơ xương khớp nhanh được phục hồi.
(Theo SKGĐ)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.