Cân điêu và cách tính tiền mập mờ
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook, một cô gái có nick name là T.N.H đã đăng tải câu chuyện về việc nhóm bạn khi đi du lịch tại Hạ Long, Quảng Ninh bị “chặt chém”. Đồng thời, thành viên T.N.H cũng đăng tải hóa đơn ăn uống và số tiền cụ thể mà nhóm phải trả.
Theo đó, T.N.H chia sẻ: “Đi chơi về up quả hoá đơn bữa trưa 6 người ăn tại Vịnh Hạ Long cho các anh chị mổ xẻ ạ. Ăn xong trả tiền mà không thoải mái trong lòng vì đây là hoá đơn thực phẩm mua trên bờ, sau đó mang xuống tàu tham quan chế biến (không có tiền phục vụ hay tiền công chế biến gì trong này cả nhé). Tiền thuê tàu có ghi 1tr6 rồi nhé. Lên tàu mất thêm 500k tiền phí phục vụ nấu nướng trên tàu”.
Tiếp tục lý giải cho câu chuyện trên, T.N.H viết: “Trong hoá đơn thuỷ sâm 3,2kg, 650k/kg, tính ra 2.080 nhưng lại ghi là 3.080.000 đồng. Tính toán rất vớ vẩn, mãi cãi nhau xem cân điêu hay đúng không ai kiểm tra lại giờ về nhà mới phát hiện ra. Bữa ăn 6 người: 3 con cua, 6 con thuỷ sâm, 7 hoặc 8 con mực ống (ăn xong rồi không nhớ mấy con), đĩa thịt rang khoảng 3-4 lạng thịt lợn, 480k cơm rau tráng miệng bao gồm: 1 âu cơm, 1 đĩa rau muống xào, 6 miếng dưa hấu. Cua 3 con trong hoá đơn ghi 4,2kg tức là mỗi con 1,3kg. Lên bờ bắt 1 con cua của họ cân thử: 0,8kg. Thuỷ sâm 6 con 3,2kg, lên cân thử 2 con được có 0,7kg tức là 6 con chỉ khoảng 2,1kg”.
Đến lúc cả nhóm thắc mắc thì T.N.H cho biết: “Yêu cầu cân thực phẩm ngay từ đầu nhưng chưa thấy cân đâu đã lùa hết lên tàu, đến lúc lên tàu rồi mình yêu cầu cân thì họ bảo trên tàu không có cân, muốn cân thì quay trở lại bờ. Ăn vào mồm rồi giờ lên tranh cãi mình ăn bao nhiêu kg làm sao được. Lúc đầu mình muốn ăn trên bờ, ăn xong mới thuê tàu đi tham quan nhưng họ khăng khăng ăn trên bờ hay dưới tàu đều như nhau, không hề bị đắt hơn, ăn không ngon ko lấy tiền các kiểu kinh lắm. Lúc sau mình thắc mắc cơm với mấy miếng dưa tại sao 480k thì đc họ giải thích là: nấu được cơm cho 6 người ăn trên tàu khó lắm nên nó có giá cao như thế ?!”.
Dân mạng dậy sóng và Tips cho ai muốn tham quan Vịnh Hạ Long
Ngay sau khi câu chuyện trên được đăng tải trên mạng xã hội Facebook đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Đồng thời, câu chuyện cũng là một bài học đối với nhóm bạn của T.N.H cũng như ai có ý định thuê tàu ra Vịnh Hạ Long.
Nhiều người cho rằng, giá như nhóm bạn trẻ tỏ ra “cứng” hơn trong việc làm rõ minh bạch của tờ hóa đơn, kiểm tra cân các loại hải sản đầy đủ thì sẽ tránh được những rắc rối không đáng có trên.
“Lần sau các bạn đi nên hỏi rõ ràng, không nghe lời theo “cò” cũng như tự chủ mọi việc thì sẽ tốt hơn, đồng thời ngăn chặn nạn chặt chém như thế này”, Minh Hương cho biết.
Trong khi đó, nhiều người còn cho rằng, thành viên nhóm nên báo Công an khu vực để có thể giải quyết một cách thấu đáo nhất: “Tốt nhất nếu xảy ra việc như thế nên gọi Công an tới thôi em, không thì còn nhiều người bị nữa còn khổ hơn em ạ”.
Lên tiếng về điều này, thành viên Ngọc Minh Vũ bình luận: “Nghi vấn bọn em gặp đúng tàu trước phục vụ bọn anh rồi, nó tính 14,3 triệu đồng/10 người. Bọn anh chày cối bảo vào bờ rồi trả. Xong rút thẻ các kiểu ra, gọi Công an phường vào nữa, xong nó tính hữu nghị lại là 6 triệu”.
Bên cạnh đó, chủ topic cũng “bày mưu” cho những ai muốn đi du lịch Vịnh Hạ Long khá hài hước như sau: “Mang theo cân. Mang theo mù tạt (ăn hải sản không có mù tạt mất ngon, lên tàu ăn người ta bảo không có, dặn trước họ mới mua. Mang theo chày đập đá: dùng cái kẹp để kẹp cua thì đang kẹp giở nó gãy làm đôi. Mang theo ruốc, muối vừng, vì lỡ ăn hết đồ ăn muốn ăn thêm trên tàu cũng không có cái gì ăn đc. Mang theo rất nhiều tiền”.
Trao đổi với chúng tôi, chị T.N.H cho biết: “Đây là lần đầu nhóm bọn em đi du lịch tại Hạ Long vào ngày chủ nhật vừa rồi (tức ngày 2/4) nên không biết. Khi có ý định đi tàu ra Vịnh Hạ Long thì có 1 người tên Tr. hướng dẫn bọn em đi tàu Minh Hương 58. Sau khi chúng em nói đắt thì phía chủ bớt cho bọn em còn 8 triệu. Điều bọn em thấy bức xúc ở đây không chỉ là giá đắt, mà việc gian lận trong tính tiền của chủ tàu. Cụ thể là việc nhân giá sai. Do không để ý nên bọn em chịu thiệt cả triệu đồng.
Qua câu chuyện này, chị N.T.H cũng nhắn nhủ: “Chúng em đều là sinh viên, không có nhiều tiền và rất mong cơ quan chức năng kiểm tra việc hoạt động của các tàu cũng như là lời cảnh báo đến tất cả mọi người để không bị chặt chém như chúng em”.
Chúng tôi sẽ liên hệ phía chủ tàu để tiếp tục thông tin về vụ việc.
Nguồn: Theo Trí thức trẻ
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.