Thực phẩm biến đổi gien: có là vàng cũng không ham

Gạo GMO, hay còn gọi là “gạo vàng”, chịu biến đổi để chứa nhiều beta-carotene (chất có thể chuyển hóa thành vitamin A). Monsanto là một trong những công ty đầu tiên lấy giấy phép sản xuất loại gạo này. Nghe gạo vitamin A có vẻ hay nhưng thực chất nó vẫn là một quả lừa của mấy công ty lớn.

Trừ phi tôi hiểu lầm, chứ hình như chiến dịch quảng cáo mới của ngành công nghệ sinh học là nhằm đánh vào lương tâm của những người như tôi – những kẻ giàu có sống tại các nước thứ nhất, đầu óc đang hoài nghi về thực phẩm biến đổi gien. Bạn đã thấy quảng cáo ấy chưa? Một đoạn phim nhanh quay cảnh cácc đồng lúa xanh mướt, mấy đứa bé châu Á tươi cười cùng các vị bác sĩ nhân từ của thế giới thứ ba. Một giọng nói ân cần cất lên trong video, mô tả giống gạo vàng kèm lời hứa hẹn “giúp hàng triệu trẻ em không bị mù lòa hay mắc các bệnh viêm nhiễm khác vì thiếu vitamin A”.

Loại gạo mới này là gạo biến đổi gien. Nó cấy gien của một loại hoa thủy tiên vàng để tạo ra beta-carotene – một chất dinh dưỡng mà cơ thể ta có khả năng chuyển hóa thành vitamin A. Xem đoạn quảng cáo này, bạn gần như cảm thấy niềm tin về đạo đức của mình đang lung lay. Thử thách ngầm ở đây là: nếu chúng ta không chịu rũ bỏ những nghi ngờ  của bản thân về thức ăn biến đổi gien, trẻ con ở các nước thế giới thứ ba sẽ bị mù.

Hình ảnh quảng cáo cho gạo vàng GMO (Ảnh trong toàn bài: Internet)

Vì gạo vàng có chứa nhiều beta-carotene nên nó có màu vàng rực khác với gạo trắng.

Có vẻ như ngành công nghệ sinh học – thứ cho đến nay chẳng đem lại kết quả gì ngoài mấy giống cây trồng tắm thuốc diệt cỏ – cuối cùng cũng tìm ra được cái “ứng dụng cần thiết” để bịt miệng những kẻ phê phán thực phẩm GMO và lấy lòng các nhà báo. Quả thật nó đang thành công: Tạp chí Time đưa loại gạo vàng này lên trang bìa, họ tuyên bố rằng “Gạo vàng có thể cứu cả triệu trẻ mỗi năm”. Thậm chí tổ chức Hòa Bình Xanh còn phải công nhận rằng “Gạo vàng là một thách thức mang tính đạo đức với lập trường của chúng tôi”.
 

Bìa quảng cáo cho gạo vàng GMO của Time

Song càng biết nhiều về “hy vọng vàng” vĩ đại này của công nghệ sinh học, ta lại càng thiếu lòng tin về lời hứa hẹn của nó – cũng như về chuẩn mực đạo đức của ngành công nghiệp nói trên. Quả thật, liệu gạo vàng có đem lại nhiều lợi ích cho trẻ suy dinh dưỡng như lợi ích nó đem lại cho bè lũ các công ty lớn không thì ta vẫn còn phải xem xét. Thành quả thực sự của nó là thắng một cuộc tranh cãi hơn là giải quyết một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Điều này có nghĩa chúng ta đang chứng kiến sự phát triển của một kiểu “công nghệ khoa trương” đầu tiên trên thế giới.

Nếu bạn cho rằng tôi nặng lời quá thì hãy suy nghĩ xem: một đứa trẻ 11 tuổi sẽ phải ăn 15 pound (khoảng 6,8 kg) cơm gạo vàng mỗi ngày – gần cả thau ấy chứ – để thỏa mãn nhu cầu vitamin A tối thiểu cho cơ thể. Thậm chí nếu chuyện nhai 6,8 ký gạo là khả thi (hoặc nếu các nhà khoa học gia tăng lượng beta-carotene trong gạo), thì nó cũng chẳng ích gì cho một trẻ suy dinh dưỡng, bởi cơ thể chỉ chuyển hóa beta-carotene thành vitamin A khi khẩu phần ăn có mỡ và protein. Mà dĩ nhiên, mỡ và protein trong bữa ăn lại chính là thứ trẻ suy dinh dưỡng thiếu.

Biếm họa không rõ tác giả. Trên đề rằng “Các nhà khoa học nói ăn 3 ký lô gạo vàng mỗi ngày sẽ ngăn tình trạng thiếu vitamin A lẫn mù lòa ở trẻ em”. Còn ở dưới ghi “Tớ thấy được bảng đen, nhưng không nhìn thấy chân.” Ý nói xơi chừng đó gạo mỗi ngày chỉ tổ béo phì do thừa tinh bột. Mà 3 ký là trẻ nhỏ, trẻ lớn hơn phải ăn 6 ký gạo GMO mới gọi là đủ vitamin A

 

Nếu chia vitamin ra thành loại “tan trong nước” (water soluble) và “tan trong chất béo” (fat soluble), thì vitamin A thuộc loại tan trong chất béo. Tức không có chất béo thì beta-carotene khỏi chuyển thành vitamin A được, nên xơi mỗi gạo vàng vô người cũng bằng không.

Hơn nữa, cũng chẳng đảm bảo được là người dân nước thứ ba sẽ ăn gạo vàng. Nói cho cùng, bản thân gạo lứt đã rất giàu dinh dưỡng, song hầu hết người châu Á vẫn thích gạo trắng (vốn không nhiều dưỡng chất bằng). Gạo từ lâu đã mang lắm ý nghĩa phức tạp trong văn hóa Á châu. Ví dụ như Khổng Tử từng ca tụng: trong mâm cơm, màu trắng thuần khiết của gạo là cái nền lý tưởng cho rau xanh. Điều này ổn thôi nếu bạn ăn rau xanh. Nhưng một khi gạo trở thành giống cây độc canh nhằm thu lợi, nó sẽ lấn át và đẩy rau xanh ra khỏi cánh đồng lẫn bữa ăn của con người.

Beta-carotene lại có rất nhiều trong các thực phẩm tự nhiên khác, như cà-rốt, cải kale, bó xôi… hỗ trợ người dân nghèo trồng mấy cái này còn tốt hơn bắt họ trồng gạo GMO.

Những ai quảng bá gạo vàng thừa nhận rằng họ cần một chiến dịch giáo dục để thuyết phục người dân ăn nó. Điều này dẫn tới một câu hỏi hiển nhiên: tại sao không mở  một chiến dịch thuyết phục dân chúng ăn gạo lứt cho rồi? Hoặc dạy nhà nông cách trồng rau xanh bên rìa ruộng lúa của họ, và có thể đưa luôn hạt giống cho họ trồng? Tại sao không phân phát viên vitamin A cho trẻ em đã suy dinh dưỡng trầm trọng đến nỗi cơ thể chúng không còn khả năng chuyển hóa beta-carotene?

Dân châu Âu có thói quen ăn cà chua sống với dầu ô-liu. Người sợ mập hay bỏ dầu ra nhưng vitamin A, E, và K có trong cà chua lại tan trong chất béo, nên có dầu thì cơ thể mới dễ dàng chuyển hóa các vitamin này được. Nhìn chung dinh dưỡng là chuyện vô cùng, không nên quá tin vô mấy lời phán của các công ty kinh doanh thực phẩm lớn. Như vitamin C tan trong nước rất dễ bị thoát khỏi cơ thể lúc ta… đi tiểu, nên muốn ăn cái gì đó hòng giữ vitamin C trong người không phải là chuyện đơn giản.

Quả đúng như vậy, các công ty như Monsanto đều đang thực hiện những mánh lới quảng cáo trơ trẽn, xấu xí, và kém sáng tạo này. Theo vài tổ chức cứu đói đứng sau dự án gạo vàng, tất cả những gì mấy công ty lớn cần để đưa dự án vào hoạt động là sức mạnh chính trị và tiền.

Tiền ư?

Các công ty sinh học đã chi hơn 100 triệu USD để phát triển gạo vàng, và trích thêm 50 triệu đô nữa cho việc quảng bá các lợi ích tương lai của nó. Phát ngôn viên của Syngenta – một hãng công nghệ sinh học, nơi đang lên kế hoạch phát gạo vàng cho các nông dân nghèo – nói rằng mỗi tháng chính phủ trì hoãn việc cấp phép bán gạo vàng đồng nghĩa với chuyện thế giới sẽ có thêm 50,000 trẻ em mù. Nhưng ta có thể tránh được bao nhiêu trường hợp mù lòa ngay bây giờ nếu ngành công nghiệp này quay sang đổ tiền quảng cáo của họ vào gạo lứt, khuyến khích trồng rau, hay phân phát vitamin A như đã kể ở trên?

Từ đó, ta có thể đặt nghi vấn về động cơ của ngành công nghiệp này. Vào tháng giêng, Gordon Conway, chủ tịch quỹ Rockefeller – quỹ từng bỏ vốn để nghiên cứu gạo vàng – viết rằng: “PR cho gạo vàng đã đi quá đà”. Ngay cả nếu như gạo biến đổi gien có góp phần công trong cuộc chiến chống suy dinh dưỡng, Conway vẫn lưu ý rằng: “Chúng tôi không xem gạo vàng là giải pháp cho nạn thiếu hụt vitamin A”.

Nông dân Philippine phản đối gạo GMO vì muốn bảo vệ giống gạo tự nhiên của nước nhà

Vậy thì gạo vàng là giải pháp cho cái gì? Câu trả lời có vẻ đơn giản: nó nhằm quảng cáo cho một nền công nghiệp mà đến giờ chỉ đem lại cho người tiêu dùng vài ba lý do cỏn con để mua những sản phẩm họ bán – dù lý do để tranh xa mấy thứ đó nhiều hơn gấp bội. Thực phẩm GMO vẫn cố quảng cáo rằng nó có lợi cho người tiêu dùng nhưng không thành, thế thì sao không thử đánh vào lương tâm của người mua nhỉ? (Kiểu mấy bà mẹ hay nói: Ăn hết cơm đi – con nít châu Phi không có mà ăn).

Thông thường, đánh giá một chiến lược PR dựa vào đạo đức thay vì hiệu quả nó đem lại có vẻ hơi lạc đề. Nhưng cái khó nằm ở chỗ gạo vàng lại đang bám vô đạo đức để làm quảng cáo. Nếu một lũ người Mỹ (như chúng ta) đang sống rất ư nhàn nhã lại đi ngăn cản một công nghệ có thể cứu bao trẻ em suy dinh dưỡng thì quả là vô đạo đức. Tuy nhiên, chẳng phải một ngành công nghiệp lợi dụng sự đói khổ của những đứa trẻ đó hòng kiếm lời cũng vô đạo đức chẳng kém sao? Mà mấy người Mỹ nhàn rỗi kia cùng lắm chỉ là giả dụ thế. Còn trường hợp của công ty lớn thì rành rành ngay trên truyền hình cho mọi người thấy.

Về tác giả: Michael Pollan là một nhà báo có lương tâm nhất. Ông chuyên viết về thực phẩm, môi trường, nông nghiệp, cách ăn uống, và ảnh hưởng của nông nghiệp lên sức khỏe người dân. Sách do Michael Pollen xuất bản rất hài hước, chứa nhiều thông tin bổ ích mà lại dễ đọc. Ông hay viết cho tạp chí New York Times và Harper.

Nguồn: Theo New York Times

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.