Thực phẩm chế biến là gì?

0
107


Sữa cũng là một loại thực phẩm chế biến.

Không phải bất kỳ loại thực phẩm chế biến nào cũng là “xấu”, nhưng hầu như tất cả các thực phẩm chế biến đều có chứa muối, đường và chất béo sau khi đã trải qua qua trình xử lý. Điều này cho thấy một lợi ích của việc nấu ăn từ thực phẩm tươi đó là bạn biết chính xác lượng đường và muối trong món ăn của mình. Tuy nhiên, đôi khi chính việc nấu ăn ở nhà cũng sử dụng những nguyên liệu đã qua chế biến.

Như thế nào được xem là thực phẩm chế biến?

Hầu hết các loại thực phẩm ăn liền mua ở siêu thị hoặc cửa hàng thực phẩm đều đã trải qua quá trình chế biến. Một số loại thực phẩm chế biến dùng hàng ngày phổ biến bao gồm:

  • Ngũ cốc ăn sáng
  • Phô mai
  • Rau quả đóng hộp
  • Bánh mì
  • Các loại thức ăn nhẹ như khoai tây chiên, bánh snack
  • Các loại thực phẩm tiện lợi (các thực phẩm đông lạnh ăn liền)
  • Các loại thức uống ví dụ như sữa, nước ngọt, nước trái cây đóng hộp


Thức ăn nhanh, các loại nước giải khát cũng là thực phẩm chế biến.

Các kỹ thuật chế biến thực phẩm bao gồm: đông lạnh, đóng hộp, nướng, sấy khô và thanh trùng. Chuyên gia dinh dưỡng Sian Porter nói: “Không phải tất cả các thực phẩm chế biến là một lựa chọn tồi. Một số thực phẩm cần chế biến để bảo đảm an toàn, chẳng hạn như sữa (sữa cần phải được thanh trùng để loại bỏ vi khuẩn gây hại), các thực phẩm khác cần được xử lý để phù hợp với mục đích sử dụng, vì dụ như dầu ăn cần phải trải qua quá trình ép”. Ngoài ra, theo Sian đông lạnh trái cây và rau củ là quá trình cần thiết để lưu giữ các vitamin, đóng hộp (các loại thực phẩm đóng hộp không chứa đường và muối) giúp quá trình lưu trữ thuận tiện hơn, những cách này giúp việc nấu ăn tiết kiệm và an toàn hơn.

Điều gì khiến một số thực phẩm chế biến kém lành mạnh?


Các thực phẩm chế biến thường chứa một lượng lớn đường, muối và chất béo.

Các thành phần như muối, đường và chất béo đôi khi được thêm vào thực phẩm chế biến để khiến chúng hấp dẫn hơn và kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra, các chất phụ gia cũng được cho thêm vào thực phẩm chế biến để đảm bảo kết cấu của sản phẩm (ví dụ như muối trong bánh mì và đường trong các loại bánh ngọt).

Việc cho thêm gia vị vào thực phẩm chế biến có thể khiến người tiêu dùng ăn nhiều muối hoặc đường hơn mức khuyến cáo vì họ không biết chính xác lượng đường và muối có trong món ăn. Các thực phẩm này cũng có thể chứa lượng calo cao hơn do lượng đường và chất béo được thêm vào.

Các chuyên gia sức khỏe cũng khuyến cáo rằng ăn nhiều thịt đỏ và thịt đã qua chế biến (thường xuyên ăn hơn 90g/ ngày) có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư ruột. Một số nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng ăn nhiều thịt chế biến có liên quan đến bệnh tim và ung thư.

Thịt chế biến là gì?


Xúc xích, thịt muối, thịt xông khói… là những sản phẩm thịt chế biến.

Thịt chế biến là các loại thịt được bảo quản bằng cách hun khói, sấy khô, ướp muối hoặc thêm chất bảo quản. Một số loại thịt chế biến phổ biến là: xúc xích, thịt xông khói, giăm bông và patê.

Bộ y tế Anh khuyến cáo rằng nếu bạn ăn nhiều hơn 90g (trọng lượng sau khi nấu chín) thịt đỏ và thịt chế biến một ngày, bạn nên cắt giảm xuống 70g một ngày. Lượng thịt này tương đương với 2 hoặc 3 lát thịt xông khói, một hoặc hơn một lát thịt cừu, bò, hoặc lợn.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhớ rằng thuật ngữ “xử lý” được áp dụng cho một phạm vi rất rộng của các loại thực phẩm, trong số đó có nhiều loại được dùng như một phần của chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh.

Làm thế nào để dùng thực phẩm chế biến một cách lành mạnh?


Nên chọ các loại thực phẩm chế biến không chứa đường, muối, chất béo và chất bảo quản.
 

Kiểm tra thành phần dinh dưỡng có thể giúp bạn lựa chọn loại thực phẩm chế biến tốt và kiểm soát lượng chất béo, muối, đường trong thực phẩm của bạn. Ví dụ, bạn có thể chọn cà chua đóng hộp (loại không chứa đường, muối và chất bảo quản) thay cho cà chua tươi để tiện lợi cho việc nấu ăn cũng như tiết kiệm chi phí.

Hầu hết các loại thực phẩm chế biến đóng gói sẵn đều phải có một nhãn “Thành phần dinh dưỡng” trên bao bì. Thành phần dinh dưỡng thường bao gồm các thông tin về protein, cacbohydrat và chất béo. Phần này có thể cung cấp thêm thông tin về chất béo bão hòa, đường, na tri và muối, các thông tin này thường được tính trên mỗi 100g và cũng có thể là mỗi phần (trọng lượng trên mỗi phần thay đổi tùy loại thực phẩm).

Làm thế nào để biết được thực phẩm chế biến có chứa nhiều chất béo, chất béo bão hòa đường và muối?


Nên đọc kĩ nhãn thực phẩm trước khi mua.

Để nhận biết sản phẩm chứa nhiều chất béo, chất béo bão hòa đường và muối, bạn có thể xem hướng dẫn sau:

Tổng lượng chất béo

Mức cao: trên 17,5g chất béo/ 100g sản phẩm

Mức thấp: từ 3g trở xuống/ 100g sản phẩm

Chất béo bão hòa

Mức cao: trên 5g/ 100g sản phẩm

Mức thấp: từ 1,5g trở xuống/ 100g sản phẩm

Đường

Mức cao: trên 22,5g/ 100g sản phẩm

Mức thấp: từ 5g trở xuống/ 100g sản phẩm

Muối

Mức cao: trên 1,5g/ 100g sản phẩm (hoặc từ 0,6g natri trở lên)

Mức thấp: từ 0,3g trở xuống/ 100g sản phẩm

Ví dụ, nếu bạn đang cố gắng cắt giảm lượng chất béo bão hòa, cố gắng hạn chế lượng thức ăn có chứa nhiều hơn 5g chất béo bão hòa trên 100g.

Nếu thực phẩm chế biến có dùng mã màu, thường sẽ là các nhãn màu đỏ, vàng và xanh lá cây, bạn nên chọn các sản phẩm có mã màu vàng, xanh lá cây và tránh các sản phẩm có mã màu đỏ.

Nguồn: Theo NHS

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.